Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật
Chương 126: Hạt cát
Bây giờ cuộc sống đột nhiên xuống dốc không phanh, từ một thiếu gia nhà giàu người người nịnh bợ trở thành một kẻ nửa tàn phế, còn phải kiếm tiền sống qua ngày, gặp người trước kia từng là bạn tốt cũng phải nhún nhường một phép, tư vị này khiến cho Triệu Tài Hưng càng thêm chịu không nổi. Cuộc sống như vậy khiến cho Triệu Tài Hưng cả ngày uống say quên trời quên đất, chỉ hận không thể đính cái bình rượu lên trên trán, lại mua mỹ tì kiều thiếp trở về hưởng lạc, một say giải ngàn sầu, mặc kệ tang cha còn chưa qua hết một năm. Cũng chẳng biết Triệu lão gia tử phía dưới có linh, nhìn đứa con trai lão yêu thương chiều chuộng cả đời đối xử với lão như vậy, trong lòng có khi nào sẽ hối hận hay không.
Vĩnh Nhạc trấn tuy rằng không lớn, nhưng Triệu Tài Hưng vốn không có thanh danh tốt đẹp gì. Đầu tiên là mưu hại huynh trưởng, sau lại không tuân thủ phụ hiếu, ngoại trừ những họ hàng thân thích nghèo và đám hồ bằng cẩu hữu muốn chiếm chỗ tốt từ hắn ra, không một ai muốn qua lại giao du với nhà hắn. Đến khi Triệu Tài Hưng đón Đường thị trở về, trấn trên chỉ cần là người có chút thể diện thì đều không hề đưa thiệp mời cho Triệu gia.
Vợ của Triệu Tài Hưng họ Hoàng, là con gái của một tiên sinh dạy học ở trấn trên. Lúc trước cha nàng vì muốn kiếm phí dụng cho đại ca nàng khoa cử nên đã gả Hoàng thị cho Triệu Tài Hưng sớm không còn thanh danh. Đường thị vẫn luôn chướng mắt xuất thân của nàng, ghét bỏ nàng là con gái của một thợ dạy học, cản trở con trai bà ta tranh đoạt gia nghiệp Triệu gia.
Hoàng thị là người Triệu lão gia tử lựa chọn. Thật ra lão muốn cưới cho tiểu nhi tử thân yêu của mình một đứa con dâu đắc lực, dễ bề giúp đỡ tiểu nhi tử. Nhưng cái danh sủng thiếp diệt thê của bản thân Triệu lão gia tử quá vang dội, nhìn sang Triệu Tài Thanh rõ ràng là con vợ cả lại cả ngày co đầu rụt cổ ở thư viện, nhà nào có chút của cải cũng đều chướng mắt Triệu Tài Hưng.
Tục ngữ có câu cha nào con nấy, có một đôi cha mẹ như vậy, nhà ai lại đồng ý gả con gái mình qua đó, chỉ cần là người sáng suốt nhìn vào là biết đây chính là một vụ làm ăn lỗ vốn. Triệu lão gia tử thấy không kết thông gia được với người thực lực, bèn dứt khoát tìm một người có thanh danh.
Cha Hoàng thị là tú tài, dạy học đã mấy chục năm. Hai huynh đệ của nàng cũng đều là người có thiên phú học tập. Tuy rằng trong nhà không có nhiều tiền bạc, nhưng bản thân nàng có hiền danh, Triệu lão gia tử lúc này mới bỏ ra một số tiền lớn sính nàng trở về làm con dâu. Như vậy chờ đến khi huynh đệ của Hoàng thị trúng cử làm quan, về sau Triệu Tài Hưng kế thừa gia nghiệp Triệu gia sẽ đắc lực hơn nhiều.
Tính toán thì tốt đẹp, nhưng từ khi Hoàng thị vào cửa mãi cho đến khi Triệu lão gia tử qua đời, hai huynh đệ của nàng vẫn chỉ bồi hồi ở cánh cửa tú tài. Mà cuộc sống của Hoàng gia trải qua ngày càng gian nan, thường xuyên phải dựa vào đứa con gái đã xuất giá Hoàng thị này trợ cấp. Lại thêm cái bụng của Hoàng thị không biết cố gắng, liên tiếp sinh hai đứa con gái, không có lấy nổi một đứa con trai. Triệu lão gia tử vẫn luôn hối hận không thôi, luôn miệng nói mình đã nhìn nhầm.
Đường thị vốn đã bất mãn đứa con dâu Hoàng thị này, hơn nữa Hoàng gia lại thường xuyên tới cửa tống tiền, bà ta cảm thấy thể diện của con trai mình đều đã mất hết. Nàng còn không sinh cho bà ta một thằng cháu đích tôn, bằng không dựa vào Triệu Tài Thanh không có con, chỉ cần có một đứa cháu trai con vợ cả, bà ta sẽ có thể thổi gió bên gối lão gia quá kế đứa nhỏ qua đó, thuận thế lấp kín miệng người trong tộc.
Nhưng Đường thị vốn chỉ là thiếp thị, đối với đứa con dâu Hoàng thị được cưới hỏi đàng hoàng này vốn dĩ đã có chút không đủ tự tin. Cộng thêm ban đầu Hoàng thị bày ra cái giá của người xuất thân thư hương, điều này đã gián tiếp đắc tội Đường thị. Đường thị mấy lần có ý muốn hưu Hoàng thị, đáng tiếc, Hoàng thị ngày thường hành xử cẩn trọng, Hoàng gia vô dụng đến đâu thì cũng có tới ba tú tài, dù lấy lí do không sinh được con trai để hưu nàng thì cũng phải mất một số tiền lớn vào tay nàng.
Đường thị có chút luyến tiếc số tiền này, bèn nổi lên ý xấu, thường xuyên nhét nữ nhân cho con trai, đều là những nữ tử thiên kiều bá mị, Hoàng thị đem ra so với bọn họ lập tức trở thành bã đậu. Mà những tiểu thiếp này đều không danh không phận, cho dù sinh được con trai hay con gái thì vẫn phải nhìn ánh mắt Đường thị mà sinh hoạt, cả đám tranh nhau đi hiếu thuận Đường thị.
Đường thị bởi vì mang thân phận thiếp thị, cho dù được Triệu lão gia tử sủng ái, nhưng ở ngoài cũng không dám ngẩng đầu. Đối với nhóm tiểu thiếp luôn vội vàng nịnh bợ mình, bà ta rất là hưởng thụ, thường xuyên dùng các nàng để chèn ép Hoàng thị, hy vọng Hoàng thị tự mình không chịu nổi bỏ về nhà mẹ đẻ. Thậm chí có thiếp thị được bà ta chống lưng âm mưu hãm hại Hoàng thị, bà ta còn âm thầm quạt gió thêm củi.
Hoàng thị từ nhỏ ở nhà được cha dạy dỗ xuất giá tòng phu, tính tình không quá kiên cường, cuộc sống ở Triệu gia vì thế mà trở thành nước sôi lửa bỏng, khổ không nói nổi. Cũng may nàng thật sự rất thương hai con gái, vì con nàng vẫn gắng gượng chống đỡ, cuối cùng vẫn cắm rễ ở Triệu gia. Bằng không nếu bị hưu về nhà mẹ đẻ, hai con gái của nàng cũng sẽ bị huỷ hoại.
Trước khi Triệu lão gia tử qua đời, đại nữ nhi của Hoàng thị đã gả chồng, tiểu nữ nhi cũng đang bàn bạc với người ta. Nhưng Triệu lão gia tử vừa đi, tiểu nữ nhi phải giữ đạo hiếu, Triệu Tài Hưng lại chỉ giành được ba phần sản nghiệp của Triệu gia, nhà ban đầu ước định với tiểu nữ nhi đã có chút chê trách kín đáo.
Chờ khi Đường thị được Triệu Tài Hưng đón về, hộ nhân gia kia bèn trực tiếp lấy lí do nề nếp gia phong của Triệu gia quá kém từ chối hôn sự với tiểu nữ nhi Hoàng thị. Hoàng thị tức giận đến nỗi nằm ở trên giường nửa tháng mới xuống được giường. Nghe tiểu nữ nhi nói, nàng cảm thấy không thể cứ như vậy tiện nghi cho Đường thị, cho dù chống cự ánh mắt lạnh của Triệu Tài Hưng cũng phải xây một cái Phật đường nhỏ, cưỡng bức Đường thị nếu như không ở Phật đường giữ đạo hiếu cho Triệu lão gia tử, nàng sẽ lập tức đi tìm tộc trưởng mới coi như đẩy được Đường thị vào đó.
Nhưng cũng vì vậy mà nàng đã hoàn toàn bị Triệu Tài Hưng chán ghét. Hắn đưa một thiếp thị sinh được con trai lên làm nhị phòng, trực tiếp đoạt quyền quản gia của Hoàng thị giao cho thiếp thị này. Hoàng thị liền bệnh không dậy nổi, mắt thấy sắp không xong. Đường thị tuy rằng ở Phật đường, nhưng chuyện lớn chuyện nhỏ trong phủ thiếp thị kia đều phải thỉnh giáo bà ta.
Đường thị hận Hoàng thị ép bà ta mỗi ngày khô héo ngồi ở Phật đường, phân phó thiếp thị hạ loại dược xung khắc vào trong thuốc của Hoàng thị, trực tiếp muốn mạng Hoàng thị. Tiểu nữ nhi của Hoàng thị là một người lợi hại, từ nhỏ nhìn mẫu thân chịu khổ, đã sớm nảy sinh oán hận và phòng bị đối với Đường thị và Triệu Tài Hưng. Đường thị cứ như vậy bị tiểu nữ nhi của Hoàng thị bắt ngay tại trận.
Tiểu nữ nhi của Hoàng thị trực tiếp cầm chứng cứ tới tộc. Triệu Tài Hưng sau khi biết được mắng to tiểu nữ nhi là đứa bất hiếu, nhưng hắn cũng không thể thật sự buông tay mặc kệ chính mẫu thân mình, đành lấy ra hai cái cửa hàng để xoa dịu đám tộc lão kia.
Tiểu nữ nhi Hoàng thị thấy không đúng, trốn về nhà cữu cữu. Đáng tiếc hai cữu cữu đều là người lương bạc, chuyện không liên quan đến mình quyết không nhúng tay. Cho dù nghe cháu ngoại nói Hoàng thị sắp bị Đường thị hại chết, bọn họ cũng chỉ bắt đầu tính toán xem nên cầm nhược điểm này đi tìm Triệu gia vòi tiền như thế nào chứ chẳng hề có chút ý định giúp Hoàng thị lấy lại công bằng.
Phó Văn Duệ sớm đã có ý muốn giáo huấn những kẻ này thay Triệu Ngôn Tu, lúc trước đã phái người tìm hiểu một nhà Triệu Tài Hưng. Sau khi từ đám hạ nhân biết được những việc này, hắn lập tức sai người liên hệ tiểu nữ nhi Hoàng thị, hứa hẹn sẽ giúp mẫu thân nàng lấy lại công bằng, còn cho nàng một số tiền giúp nàng lập nữ hộ, chỉ cần nàng giao chứng cứ cho người Phó Văn Duệ phái đến, trực tiếp tới quan phủ trạng cáo Triệu Tài Hưng mưu hại vợ cả là được.
Triệu Tài Hưng dù như thế nào cũng là phụ thân của tiểu nữ nhi Hoàng thị. Con gái tố cáo cha, cho dù không giống tiền triều chưa thụ lí đã xém mất nửa cái mạng, nhưng ở xã hội nam quyền này vẫn rất khiến người đời cười chê. Tiểu nữ nhi Hoàng thị làm như vậy cho dù là vì đòi lại công bằng cho Hoàng thị thì cũng sẽ không có ngày lành để sống.
Phó Văn Duệ cho nàng tiền, giúp nàng ra mặt cáo trạng đã là tốt lắm rồi. Vì thế, rất nhanh sau đó Triệu Tài Hưng đã bị truyền triệu tới nha môn, nghe ra là vợ chồng quản sự bên người Hoàng thị thay Hoàng thị trạng cáo hắn mưu hại Hoàng thị. Tội danh giết người Triệu Tài Hưng đương nhiên là không nhận.
Vốn nghĩ hắn tốt xấu gì cũng đã làm anh vợ của Huyện thái gia mấy năm. Tuy rằng em gái hắn đã bị đưa về thôn trang, nhưng ở nha môn vẫn có chút quan hệ. Lo lót trên dưới một phen, hắn lúc này mới thở phào một hơi, trong lòng cũng không còn quá hoảng loạn. Rốt cuộc Hoàng thị hiện giờ còn tung tăng nhảy nhót ở đàng kia, tiểu nữ nhi của Hoàng thị và hắn chưa xuất giá vẫn đang bị hắn nắm trong tay. Triệu Tài Hưng đinh ninh rằng Hoàng thị muốn mượn chuyện này để uy hiếp hắn, ép hắn làm chuyện gì đó thôi.
Chờ đến khi bị nha dịch nhốt vào trong nhà lao, hắn mới phát hiện không đúng. Lúc thẩm vấn, Triệu Tài Hưng đã không còn vững tâm như lúc đầu, thấy Huyện thái gia nhất định muốn trị tội mình liền khai ra Đường thị. Vì thế chờ khi bị bắt đến nha môn, Đường thị mới phát hiện người tố giác chính là con trai của bà ta.
Đường thị là một thiếp thị, mưu hại Hoàng thị, cho dù là con dâu nhưng đối với luật pháp chú ý đích thứ thời này mà nói thì tội của bà ta rất nghiêm trọng, cho dù không bị phán tử hình nhưng sẽ bị đánh sát uy bổng, phán lưu đày ba ngàn dặm. Tuổi tác bà ta cũng không còn nhỏ, bị đánh một trận đã mất đi nửa cái mạng, lại còn bị lưu đày tới một nơi hoang vu như vậy, ở trên đường đã qua đời.
Triệu Tài Hưng khai ra Đường thị nhưng cũng không có bởi vậy mà được thả ra. Ngược lại là Hoàng thị sau khi được tiểu nữ nhi kể rõ mọi chuyện đã đệ đơn hòa li tới nha môn. Huyện thái gia đã sớm được Phó Văn Duệ dặn dò, phân hơn nửa sản nghiệp Triệu gia cho Hoàng thị với lí do đền bù Đường thị mưu hại, phán Triệu Tài Hưng và Hoàng thị nghĩa tuyệt.
Hoàng thị chống một hơi cuối cùng lập nữ hộ cho tiểu nữ nhi, giao lại toàn bộ sản nghiệp cho tiểu nữ nhi rồi mất. Triệu Tài Hưng ở trong tù, các thiếp thị của hắn hoảng sợ, dắt díu con cái mang theo toàn bộ tiền bạc của Triệu gia bỏ trốn.
Chờ khi Triệu Tài Hưng từ trong nhà lao đi ra ngoài, gia nghiệp của hắn chỉ còn lại đúng một toà nhà ở nơi hẻo lánh nhất. Tòa nhà kia bởi vì quá xa xôi mà chạy thoát một kiếp, không ai quan tâm. Nhưng cũng bởi vì quá xa xôi hẻo lánh mà không bán được giá. Triệu Tài Hưng không có tiền, tay chân lại không lưu loát, đành phải cho thuê tòa nhà kia, thuê một căn nhà rẻ nhất ở phố bắc Vĩnh Nhạc trấn, mỗi ngày dựa vào tiền thuê nhà để sinh hoạt, cuộc sống trải qua thập phần gian khổ.
Hắn ban đầu còn dịnh đi tìm mấy đứa con của mình. Nhưng tiểu nữ nhi Hoàng thị sau khi an táng mẫu thân, cầm tiền rồi không biết tung tích, trên thực tế là bị Phó Văn Duệ an bài tới một nơi khác để sinh hoạt đi. Còn những đứa con khác, Hoàng thị vừa chết, đại nữ nhi Hoàng thị chỉ hận không thể ăn tươi nuốt sống Triệu Tài Hưng. Triệu Tài Hưng tìm tới cửa, nàng chỉ ném một câu: Con gái gả chồng như bát nước đổ đi, làm gì có ai bắt con gái dưỡng lão. Nói xong chỉ đưa mấy lượng bạc cho có lệ, ngay cả mặt cũng chưa lộ, Triệu Tài Hưng tức giận đến mức chỉ hận không thể ném bạc phất tay áo bỏ đi. Chẳng qua, cuối cùng nhìn lại bộ quần áo cũ nát trên người mình, hắn vẫn cầm bạc không rên một tiếng rời đi.
Còn mấy thứ nữ đã gả ra ngoài lại càng tránh mặt không gặp hắn. Con trai vợ lẽ thật ra có mấy đứa, nhưng hai người lớn tuổi mới cưới vợ kia lại không được hắn yêu thích, thời trẻ qua loa cưới xin cho bọn hắn xong liền tống cổ ra ngoài. Bây giờ Triệu Tài Hưng tìm tới cửa, hai đứa con trai sẽ không đuổi thẳng mặt hắn, nhưng con dâu lại cả ngày hếch mũi dựng lông mày, thức ăn trên bàn mỗi một ngày lại càng ít hơn, đến mức có thể đếm ra được có bao nhiêu hạt gạo.
Triệu Tài Hưng lại không dám bày ra cái giá cha chồng, chỉ có thể mặt dày sống ở nhà con trai, nếu đói bụng quá thì dùng chút tiền ít ỏi trên người mua điểm tâm đặt ở trong phòng mình vụng trộm ăn, bằng không để cho con dâu biết thì lại ầm ĩ một trận. Một kẻ phú quý hơn phân nửa đời, hưởng thụ hơn phân nửa đời như Triệu Tài Hưng, bây giờ lại ăn không ngồi rồi bị người khác xem thường, trừ than thân trách phận ra thì cũng chẳng còn cách nào khác.
Nghe Phó Văn Duệ nói xong, Tống Thiêm Tài bỗng nhiên cảm thấy Phó Văn Duệ thuận mắt hơn một chút. Triệu Ngôn Tu tuy rằng chưa nói cái gì, nhưng đối với kẻ gián tiếp hại chết cha mẹ mình, biết Triệu Tài Hưng sống không tốt, không thể phủ nhận trong lòng Triệu Ngôn Tu vẫn có chút sung sướng.
Phó Văn Duệ thấy thần sắc Triệu Ngôn Tu tươi tắn hơn chút, Tống Thiêm Tài cũng cười rất thật lòng, hắn bèn âm thầm đắc ý. Nếu không phải Triệu Ngôn Tu không muốn nhận thân, Phó Văn Duệ không tiện bốn phía trương dương mình là cữu cữu ruột thịt của Triệu Ngôn Tu, hắn nhất định có thể càng danh chính ngôn thuận giáo huấn Triệu Tài Hưng, khiến gã so hiện giờ còn thảm hơn nhiều.
Hơn nữa cho dù lúc trước vợ chồng Triệu Tài Thanh làm rất nhiều việc thiện, giao hảo với rất nhiều người như vậy, nhưng người đi thì trà lạnh. Vợ chồng Triệu Tài Thanh vừa mất, những người này lập tức co đầu rụt cổ mà sống. Nếu như bọn họ biết địa vị phía sau Triệu Ngôn Tu lớn như vậy chắc chắn sẽ hối hận muốn chết.
Hừ hừ, chẳng qua hắn thù rất dai, những người này hắn đều đã nhớ kỹ. Nếu bọn họ muốn làm ăn với Phó gia thì cứ xem hắn sẽ hố những người này như thế nào, có thế mới xoa dịu được bất mãn trong lòng hắn.
Phó Văn Duệ phô trương khí thế tới Tống gia, lí chính Tống gia thôn nhận được tin lập tức vội vàng tới cửa xem đến tột cùng là chuyện gì. Sau khi tới Tống gia, vừa thấy Phó Văn Duệ ông liền lập tức quỳ xuống, Phó Văn Duệ phái người vội vàng ngăn cản. Ở chỗ khác người ta muốn quỳ thế nào thì quỳ, nhưng ở đây còn có Triệu Ngôn Tu và Tống Thiêm Tài, Phó Văn Duệ không muốn làm cho mình giống như kẻ lấy thế khinh người.
Khoác lên phong phạm công tử sang quý, Phó Văn Duệ mở miệng nói với lí chính Tống gia thôn: "Lão trượng không cần đa lễ, bản quan là cữu cữu của Ngôn Tu, sớm nghe Ngôn Tu nói Tống gia thôn thôn phong tường hòa, bản quan còn muốn đa tạ lão trượng đã chăm sóc Ngôn Tu một vài."
Tống Thiêm Tài muốn trợn trắng mắt, Phó Văn Duệ có thể đừng mỗi ngày trương dương quan hệ giữa hắn và Ngôn Tu được không? Còn không phải chỉ là cữu cữu thôi sao? Lại còn chưa đạt được danh phận chính thức đã gấp không chờ nổi ba hoa với người khác như vậy rồi. Cho dù là để chống lưng cho Ngôn Tu, Tống Thiêm Tài vẫn cảm thấy có chút khó chịu, luôn có một loại cảm giác người trong lòng bị cướp đi.
Lí chính Tống gia thôn vừa nghe xong liền lập tức cả kinh. Ông chỉ biết Triệu Ngôn Tu là con trai độc nhất của phu tử Tống Thiêm Tài, mà phu tử Tống Thiêm Tài là một cử nhân. Nhưng đó cũng chỉ là nghe nói thôi, rốt cuộc từ khi Triệu Ngôn Tu tới Tống gia thôn, ngoại trừ ăn sang mặc quý hơn một chút ra thì không có một chỗ nào biểu hiện y là công tử nhà quan.
Vốn dĩ bọn họ đều nói cha mẹ Triệu Ngôn Tu song vong, cho dù phụ thân trước kia là một cử nhân, nhưng rốt cuộc chỉ là nửa viên chức, người cũng đã mất. Triệu Ngôn Tu lại bị tranh đấu trong nhà đẩy ra ngoài, nhiều lắm trong tay có chút tiền, dư dả hơn một chút so với người khác là tốt lắm rồi, không ngờ địa vị của họ hàng bên mẫu thân Triệu Ngôn Tu lại lớn như vậy. Cũng khó trách Tống gia chỉ trong vòng hai ba năm đã dọn cả nhà tới nơi Tuyền Châu phồn hoa sinh sống, hoá ra là vì có một chỗ dựa lớn như vậy.
Lí chính Tống gia thôn thầm nghĩ Tống gia tiểu tử này thật đúng là người có phúc khí, kết cái khế huynh đệ thôi cũng đụng phải nhân vật lớn như vậy. Về sau ngay cả Tống Tiểu Bảo cũng được dính phúc khí của Triệu Ngôn Tu. Tống gia sống tốt, các hương thân bọn họ cũng sáng rọi hơn chút.
Khách sáo vài câu với Phó Văn Duệ, lí chính Tống gia thôn bèn thức thời không ở lại lâu, quay trở về. Chẳng qua không tới nửa ngày, tin tức mới nhất về Tống gia đã truyền rộ khắp. Triệu Ngôn Tu có cậu ruột làm quan lớn, còn cực kì thân cận với Triệu Ngôn Tu. Tống gia lại bị hâm mộ ghen tị nửa ngày, nhưng lần này những nhàn ngôn toái ngữ đó cũng không dám rêu rao ở bên ngoài.
Giữa trưa, Lâm Tiểu Mãn chưởng muỗng làm tràn đầy một bàn đồ ăn chiêu đãi Phó Văn Duệ. Y rất sợ quan lớn như Phó Văn Duệ ăn không quen, Tống Thiêm Tài bọn họ sẽ thêm phiền toái. Hai lão Tống gia cũng trở nên câu nệ. Trần Quế Chi ôm Tống Tiểu Bảo ra phía sau ăn cơm, Tống Đại Sơn ở trên bàn thật sự rất khẩn trương, nghẹn nửa ngày, vẫn là nhờ Tống Thiêm Tài bảo ông đi xem Trần Quế Chi, Tống Đại Sơn mới nhẹ nhàng thở ra rời bàn.
Phó Văn Duệ thấy hai lão Tống gia như vậy mặt cũng nhăn như khỉ. Hắn thật sự không phải tới Tống gia khoe mẽ, chỉ là xử lí được Triệu Tài Hưng, trong lòng cao hắn hứng nên mới nhất thời khoa trương một phen. Hơn nữa thủ hạ đã từng nói với hắn, người trong Tống gia thôn đều nói Triệu Ngôn Tu là một công tử nghèo túng, điều này khiến cho Phó Văn Duệ cảm thấy cực kì không vui, lúc này mới bày ra quan uy để giữ thể diện cho Triệu Ngôn Tu. Không nghĩ tới hắn uy phong cũng đủ rồi, nhưng mà lại dọa sợ hai lão Tống gia, việc này làm cũng là thiếu thỏa đáng.
Dùng cơm trưa xong, Phó Văn Duệ và Triệu Ngôn Tu thương lượng về ngày giỗ của vợ chồng Triệu Tài Thanh. Phó Văn Duệ là một thổ hào, đối với người đã nuôi lớn cháu ngoại mình là thật sự cảm kích. Cho nên theo ý kiến của hắn, tu sửa mộ làm pháp sự cho vợ chồng Triệu Tài Thanh là phương án tốt nhất.
Triệu Ngôn Tu lại không đồng ý. Cha mẹ y đã yên nghỉ, y không hy vọng có người tới quấy rầy bọn họ, vì thế bèn đưa ý kiến với Phó Văn Duệ. Phó Văn Duệ cũng không tiện cưỡng cầu, đành nghĩ cách làm pháp sự sao cho cực kì long trọng.
Tống Thiêm Tài cũng ở bên cạnh đề ý kiến, ba người thương lượng nửa ngày mới thống nhất xong xuôi. Nhưng vợ chồng Triệu Tài Thanh dù sao cũng là vào phần mộ tổ tiên Triệu gia, tộc nhân Triệu gia đã quá kế nam đinh trong tộc cho vợ chồng Triệu Tài Thanh, pháp sự ba năm cũng cần phải thông qua tộc nhân Triệu gia.
Phó Văn Duệ vốn không có mấy hảo cảm với tộc nhân Triệu gia, nhưng dù vậy vẫn biết nghiêm túc tính ra thì ngay cả Triệu Ngôn Tu cũng chỉ là người ngoài, đối với mấy tộc nhân này quả thật không thể đắc tội quá tàn nhẫn. Về sau chỉ có người mà tộc quá kế cho Triệu Tài Thanh mới có thể danh chính ngôn thuận cung phụng hương khói cho bọn họ.
Phó Văn Duệ đã tìm hiểu rõ ràng, đứa trẻ được quá kế kia quả thật là một đứa nhỏ không tồi. Cha mẹ ruột của nó còn có hai đứa con trai nữa, cũng còn cố kỵ thanh danh. Hắn đã tới dòng tộc Triệu gia chào hỏi, nói Triệu Tài Thanh là bạn cũ của hắn nên muốn chiếu cố hậu nhân của Triệu Tài Thanh. Nhờ vậy, sản nghiệp của đứa nhỏ quá kế cho Triệu Tài Thanh hẳn có thể bảo vệ được bảy tám phần, như vậy cũng coi như là hắn giữ lại chút hương khói cho vợ chồng Triệu Tài Thanh.
Thương lượng xong xuôi, Phó Văn Duệ còn tưởng ngủ nhờ ở Tống gia, nhưng quả thật là không chịu nổi ánh mắt sắc lẹm của Tống Thiêm Tài, cuối cùng mới tâm bất cam tình bất nguyện trở về nhà mình ở trấn trên. Phó Văn Duệ vừa đi, Tống Đại Hải và Vạn thị liền bế theo cháu nhỏ tới đây.
Đơn giản hỏi han một phen, hai lão Tống gia cũng không biết nhiều về Phó Văn Duệ, chỉ biết Phó Văn Duệ là người nhà của Triệu Ngôn Tu, còn là một thương nhân cực kì tài giỏi giàu có. Nhưng cảnh tượng hôm nay đã khiến bọn họ ngớ người, hoá ra làm thương nhân cũng có thể làm quan lớn. Lúc Vạn thị lải nhải với Trần Quế Chi, Trần Quế Chi vẫn còn chưa phục hồi lại được tinh thần.
Cẩu Tử lên trấn trên học, bình thường đều là theo mấy đứa trẻ khác trong thôn ngồi xe bò của Tống Ngưu Đầu trở về. Mấy hộ nhà đưa con lên trấn trên học đều đã thống nhất mỗi ngày trả Tống Ngưu Đầu ba văn tiền đón đưa mấy đứa nhỏ.
Cẩu Tử hai ngày trước không trở về mà ở nhà Lưu Khôn Võ. Mấy ngày này trời nắng nóng, Lâm Tiểu Mãn thương Cẩu Tử chạy tới chạy lui phơi đen không ít. Vừa lúc phu tử cho nghỉ, Đại Tỏa Tiểu Tỏa mời Cẩu Tử tới nhà hai đứa chơi, Trần Đại Thạch và Lâm Tiểu Mãn bèn đồng ý, gói ghém đồ đạc gửi Cẩu Tử ở đó vài ngày.
Vừa mới chuẩn bị đón Cẩu Tử về thì Tống gia đã trở lại. Trần Đại Thạch và Lâm Tiểu Mãn bận rộn chuyện Tống gia không rút tay ra được. Đúng lúc Tống Thiêm Kim được nghỉ phép, Tống Đào Tử cũng muốn về nhà mẹ đẻ, bọn họ bèn cùng nhau đưa Cẩu Tử về nhà.
Tống Tiểu Bảo một mình chơi ở trong sân. Lâm Tiểu Mãn là người cần mẫn, trong nhà không chỉ làm ruộng trồng trọt mà còn nuôi không ít gia cầm, ngay cả dê cũng có. Tống Tiểu Bảo nhàn rỗi một cái là lại chạy đến chuồng dê đòi cưỡi chơi. Sau bị Trần Quế Chi mắng cho một trận, nó lập tức dỗi dằn không vui, lại bị Lâm Tiểu Mãn dùng điểm tâm dỗ, một mình ở trong sân đuổi theo ngỗng chơi.
Mấy con ngỗng này cũng rất hung dữ, thấy Tống Tiểu Bảo lạ mặt, ban đầu chúng nhìn nó chằm chằm rồi đuổi theo liên tục, còn định cắn người, doạ cho Tống Tiểu Bảo sắp phát khóc. Tuy rằng sau đó mấy con ngỗng đã bị hai lão Tống gia đuổi đi, nhưng vì việc này nó đã bị người cha vô lương Tống Thiêm Tài cười nửa ngày, cười đến mức Tống Tiểu Bảo cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Vì thế, nó bèn quyết không đội trời chung với đám ngỗng này. Ban đầu chỉ là ném hòn đá dọa bọn chúng, sau đó phát hiện mấy con ngỗng này cũng không phải quá đáng sợ, nó bèn cầm một cây gậy nhỏ, không có việc gì là lại đuổi theo đám ngỗng, rửa mối nhục xưa.
Cẩu Tử vừa vào đến cửa đã nhìn thấy Tống Tiểu Bảo. Đối với người bạn chơi cùng kiêm tiểu đệ đệ này, Cẩu Tử luôn nhớ rất rõ ràng. Tuy rằng Tống Tiểu Bảo đã cao lớn hơn nhưng nét mặt đại khái vẫn không thay đổi. Hơn nữa tuy rằng Tống Tiểu Bảo chuyển đến Tuyền Châu, nhưng hai đứa vẫn thư từ qua lại với nhau.
Bức thư như quỷ vẽ bùa của Tống Tiểu Bảo tuy rằng Tống Thiêm Tài nhìn không ra có ý nghĩa gì, nhưng Cẩu Tử lại cảm thấy Tống Tiểu Bảo đây là vẫn còn nhớ đến nó. Nó gấp lại cẩn thận từng phong thư rồi giấu kĩ trong ngăn tủ, bây giờ vừa gặp Tống Tiểu Bảo, Cẩu Tử lập tức mừng rỡ.
Tống Tiểu Bảo nhìn thấy Cẩu Tử, đầu tiên là nghiêng nghiêng đầu, suy nghĩ nửa ngày, cuối cùng mới chậm rãi mở miệng nói: "Cẩu Tử ca?" Đừng hy vọng về trí nhớ của một đứa trẻ bốn tuổi, Tống Tiểu Bảo lúc này có thể hô lên tên Cẩu Tử vẫn là nhờ mấy ngày nay hai lão Tống gia liên tục nhắc mãi.
Bạn cần đăng nhập để bình luận