Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật
Chương 21: Sơ sẩy
Chờ sóng người này đi rồi, giữa trưa cũng không còn ai tới. Dù vậy, Trần Quế Chi và Tống Đại Sơn vẫn không thể yên tâm. Đừng nhìn chỉ có một đoàn người, nhưng lại đều là hán tử cao lớn, sức ăn quả thật không thể coi thường. Tống Thiêm Tài trừ số lẻ cho bọn họ, thu vào tay 500 văn. Chỉ một vụ mua bán như vậy thôi, hôm nay khai trương cũng coi như kiếm lời không ít.
Đến giờ thân, lại rải rác tới thêm mấy người đi đường. Bọn họ mua nước trà và điểm tâm, ngược lại không gọi đồ kho với màn thầu, cuối cùng còn mua mấy quả trứng luộc nước trà với ít quả phỉ rang, có vẻ như rất chú ý, chướng mắt mấy món đồ kho kia.
Vừa qua giờ thân, Tống Thiêm Tài lập tức bắt đầu xem xét số đồ ăn còn dư của quán trà. Chè đậu đỏ hết, chè đậu xanh còn thừa một ít, bánh bò trắng, bánh gạo nếp đều còn lại tám, chín miếng. Món kho chỉ còn lại một khúc lòng, Tống Đại Sơn thích ăn, giữ lại cho hắn nhắm rượu cũng không lãng phí.
Đậu phộng nước muối hôm nay tặng rất nhiều nên không thừa, ngày mai chắc chắn không thể làm nhiều như vậy. Trứng luộc nước trà ngược lại bán tốt vượt dự tính, làm Tống Thiêm Tài cảm thấy hắn có thể làm thêm trứng vịt muối để bán, hẳn là cũng không tệ. Còn lạc rang, bởi vì làm ít, buổi sáng lại cho tụi nhỏ trong thôn rất nhiều, dư lại một ít, Tống Thiêm Tài tính toán bảo Trần Quế Chi mang đi cho mấy nhà quen biết, ngày mai không thể rang nhiều như vậy. Còn nếu bán được thì để Tống Đại Sơn bắc cái bếp ở bên ngoài, vừa rang vừa bán là xong.
Cuối cùng chính là mơ ướp của Tống Thiêm Tài không một ai hỏi thăm. Thứ này ngược lại có thể để lâu, Tống Thiêm Tài vốn chỉ coi nó như hàng dự phòng, giá cả hơi cao, cũng không trông cậy vào nhóm khách thương tất tả bận rộn có thể rảnh rỗi mua về ăn.
Tống Thiêm Tài cảm thấy ngày mai có thể bảo Tống Đại Sơn lên núi hái ít lê, táo đỏ, hồng,... các loại sơn quả về bán ở quán trà. Những sơn quả này hương vị không tồi, có thể nếm chút mới mẻ, tin tưởng khách thương lui tới sẽ mua một ít mang theo ăn trên đường.
Kiểm kê xong, Tống Thiêm Tài bèn chuẩn bị thu sạp. Không nghĩ tới lúc này, ngoài cửa có mấy phụ nhân trong thôn kéo đến, nhìn có vẻ cũng khá thân quen với Trần Quế Chi. Trần Quế Chi mời chào các nàng tiến vào, vừa hỏi mới biết được là hài tử trong nhà buổi sáng ăn thức ăn nơi này cảm thấy ngon, quấn lấy các nàng đòi mua chút trở về.
Gia cảnh của mấy phụ nhân này cũng xem như dư dả, bị hài tử trong nhà quấy, ngẫm nghĩ bèn hẹn nhau chờ khi nào vãn người, Tống Thiêm Tài chuẩn bị dọn quán, có lẽ sẽ tính rẻ hơn chút. Tống Thiêm Tài cũng không cô phụ sự kỳ vọng của các nàng, ưu đãi cho bọn họ điểm tâm mua một tặng một, lại tặng các nàng hạt dẻ quả phỉ, mấy món khác giảm giá 20%.
Cuối cùng, bánh bò trắng, bánh gạo nếp còn dư đều được các phụ nhân bao trọn. Tống Thiêm Tài còn bảo các nàng về sau nếu tới vào lúc này, giá điểm tâm sẽ giữ nguyên như vậy, bọn họ muốn mua thì cứ đến đúng giờ, vừa rẻ vừa được lợi. Nếu như có thịt dư, muốn mua thì cũng sẽ tính rẻ hơn cho các nàng.
Tiễn người trong thôn đi, Trần Quế Chi ở bên cạnh nói với Tống Thiêm Tài: "Thiêm Tài, bánh bò trắng kia ba văn tiền một miếng, bánh gạo nếp là bốn văn tiền, ngươi cho các nàng mua một tặng một, chúng ta sẽ không có lời, trong lòng bọn họ cũng hiểu rõ nên mới mua hết. Ngươi về sau nếu như luôn bán với giá này, chúng ta hẳn sẽ bị lỗ."
Tống Thiêm Tài cười cười nói: "Nương, những thứ như điểm tâm tốt nhất là không để qua đêm, đến giờ này đều là đồ thừa, ngày mai lấy ra bán sẽ không còn mới mẻ. Làm quán ăn cần nhất là lương tâm. Ăn ngon người ta mới có thể trở thành khách quen. Ta bán phần dư lại cho người trong thôn, cũng coi như là thêm chút ưu đãi cho họ. Trong thôn có không ít người đỏ mắt mối làm ăn này của nhà ta, bán cho người trong thôn giá rẻ hơn cũng có thể lấp kín miệng những người đó. Về sau, nếu như thấy trẻ con nhà ai chơi cạnh quán trà, nương hãy cho nó ít lạc rang hoặc sơn quả, cha mẹ trưởng bối của nó biết được thì sao có thể không niệm tình chúng ta? Làm buôn bán là phải rộng rãi kết thiện duyên, hơn nữa lại chẳng tốn bao nhiêu tiền, đều là mọc từ trên núi. Cũng như điểm tâm vừa rồi, để đó cũng chỉ có thể tặng người khác hoặc tự mình ăn, nhưng bán giá thấp cho các nàng, người trong thôn sẽ biết được chỗ tốt của chúng ta, về sau mọi người đều biết nhà ta không giữ thức ăn lại qua đêm, thanh danh không phải truyền ra rồi sao? Hơn nữa, điểm tâm kia bán vậy vẫn có lời, ít nhất không lỗ vốn là được."
Trần Quế Chi nghe Tống Thiêm Tài nói vậy, trong lòng lập tức hiểu ra, cũng không rối rắm chuyện này nữa, nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Bận bịu một hồi, chờ đến khi về nhà ăn cơm, trời đã gần như tối đen. Trần Quế Chi chiều nay đã bảo Tống Đại Sơn ngồi xe bò lên trấn trên mua hai cái đầu lợn và mấy loại chân giò, lòng, tim khác.
Hôm nay món kho bán đắt hàng khiến Trần Quế Chi tự tin tăng cao, định ngày mai bán thêm một cái đầu lợn. Tống Thiêm Tài thì nhờ Tống Đại Sơn đi tìm Đỗ chưởng quầy bàn chuyện thu mua vịt tạp, còn bảo Tống Đại Sơn mang chút mỡ vịt trở về. Tống Thiêm Tài xem xét từ tình huống buôn bán hôm nay, phát hiện bọn họ phải làm mấy món vừa chống đói vừa để được lâu như lương khô mới có thể bán càng đắt hàng.
Các thương nhân bọn họ chuyên phải lặn lội đường xa, mấy thứ không để được lâu e là sẽ không mua quá nhiều. Hơn nữa đi đường cần phải có sức, tốt nhất làm món mặn mới có thể thỏa mãn yêu cầu của những người này. Tống Thiêm Tài nhớ tới bánh nướng mỡ vàng, bánh nướng nhân cải mai hương vị đều không thể chê, gói kỹ để hai ba ngày cũng không thành vấn đề.
*Bánh nướng mỡ vàng
*Bánh nướng nhân cải mai
Mỡ vàng kỳ thật chính là mỡ vịt, dùng mỡ vịt làm bánh nướng là một mẹo nhỏ, cũng giống như lúc nặn bánh trôi nhân mè đen nên thêm chút mỡ lợn, có thể biến hương vị vốn có của thức ăn trở nên khác biệt, vô cùng mỹ vị. Cái này là khi hắn đi công tác được ăn đặc sản địa phương, cảm thấy ngon, lúc trở về bèn cố ý mời đầu bếp nấu cho nên mới biết được một chút.
Tống Đại Sơn bỏ ra mười văn mua non nửa rổ mỡ vịt trở về, Trần Quế Chi thắng ra dầu. Tống Thiêm Tài lúc này mới nhớ tới trong nhà không ai biết làm bánh nướng. Cuối cùng, ba người lớn của Tống gia mắt to trừng mắt nhỏ nhìn nhau, trợn tròn cả mắt.
Không biết làm, Tống Thiêm Tài đành phải vứt sang một bên, giúp Trần Quế Chi kho thịt đầu lợn với các món khác trước. Chờ xong xuôi hết thảy, Tống Thiêm Tài bảo Trần Quế Chi và Tống Đại Sơn ngồi xuống, bày số tiền hôm nay thu được ra, cùng nhau tính lời.
Tổng cộng được 582 văn, trừ đi phí tổn thì còn dư lại 330 văn, đây là còn chưa tính mấy món Tống Thiêm Tài tặng kèm. Hôm nay là ngày đầu tiên, hao tổn hơi nhiều, thức ăn cũng chuẩn bị không đầy đủ, cho nên tiền lời kiếm được cũng không quá cao.
Nhưng dù là vậy, Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi vẫn vô cùng mừng rỡ. Một ngày có thể kiếm hơn 300 văn, qua một tháng chính là mười lượng bạc, chỉ một năm là kiếm được trên dưới một trăm lượng, cứ thế mãi cũng có thể tích cóp được không ít gia nghiệp.
Trần Quế Chi vuốt ve mấy đồng tiền, cười không thấy mắt nói: "Còn tưởng rằng tiền vốn chúng ta bỏ ra không có một hai năm là không hồi lại được, không nghĩ tới chỉ cần tiếp tục như thế này nửa năm nữa là ổn."
Tống Đại Sơn cũng rất vui, nhưng vẫn hỏi: "Thiêm Tài à, chuyện buôn bán nhà chúng ta có trở ngại đến thân phận tú tài của ngươi không. Về sau, cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc học hành khoa cử của Tiểu Bảo nhà ta chứ?"
Tống Thiêm Tài ngừng tay, nói với Tống Đại Sơn: "Không sao cả. Thái Tổ thánh minh, không áp chế con cháu thương hộ học hành, chẳng qua là nộp thuế nặng chút thôi. Theo ta được biết, mấy vị cử nhân, tiến sĩ trong nhà đều có thân thích là thương nhân. Triều đình mặc kệ, ta chỉ là một tú tài, quán trà này ta treo trên danh nghĩa của nương. Triều đại có pháp luật bảo hộ của hồi môn của chính thê, chúng ta coi như hỗ trợ cho nương. Như vậy nhà chúng ta chỉ cần nộp thuế giống nhà khác, đồng thời không cần sửa thành thương tịch."
Kỳ thật, Tống Thiêm Tài cũng không để ý chuyện đổi thành thương hộ, dù sao nơi này lại không cấm con cháu thương nhân khoa cử. Nhưng hắn có thân phận tú tài, Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi quan niệm nông hộ luôn luôn cao hơn thương hộ một bậc. Tống Thiêm Tài ngẫm lại cũng không muốn trái nghịch với tâm tư của hai vị phụ huynh, bèn chọn theo luật bảo hộ tài sản của chính thê ở triều đại này, biến quán trà thành của Trần Quế Chi. Như vậy vừa phải nộp ít thuế vừa không cần thay đổi hộ tịch, còn có thể trấn an được hai lão.
Tống Thiêm Tài cảm thấy vị Thái Tổ Đại Tần này là một người rất có ý tứ. Khi còn nhỏ hắn và mẹ khẳng định đã phải chịu không ít khổ cực từ đám tiểu thiếp con vợ lẽ. Vì thế sau khi sáng lập triều đại, hắn mới đặt ra mấy quy phạm đích thứ nghiêm khắc như vậy. Con vợ cả luôn chiếm ưu thế trong chuyện kế thừa gia nghiệp, tiền đồ làm quan và cả địa vị trong xã hội.
Chính thê cũng được luật pháp bảo đảm quyền lợi bản thân, ví dụ như có toàn quyền sử dụng của hồi môn, nhà chồng tuyệt đối không thể lén động vào. Đương nhiên, tài sản của chính thê thuộc sở hữu của chính mình, điều này giúp Tống Thiêm Tài có chỗ lách vào, trực tiếp đưa quán trà về dưới danh nghĩa của Trần Quế Chi, đối Tống gia sẽ không còn chút ảnh hưởng. Bởi vì là quán buôn bán nhỏ ven đường, không kiếm được mấy đồng, ngay cả thuế cũng không cần nộp.
Chẳng qua Tống Thiêm Tài tự nhận là một bá tánh tuân thủ pháp luật Đại Tần, vẫn tới nha môn lập văn tự. Vì là buôn bán nhỏ tài sản không đến hai mươi lượng, mỗi năm chỉ cần giao hơn hai lượng bạc là được. Như vậy tính ra, mỗi ngày phải giao năm sáu văn tiền thuế. Tống Thiêm Tài rất đắc ý với quyết định này của mình, bởi vì nếu như bị về thương hộ, thuế giao mỗi năm sẽ nhân lên gấp bội.
Tính tiền xong, Trần Quế Chi bảo Tống Thiêm Tài cất giữ cẩn thận. Ý tứ của nàng rất rõ ràng. Quán trà kể từ khi bắt đầu mua đất đến giờ, Tống Thiêm Tài không lấy của nhà dù chỉ một xu, tiền lời cực khổ kiếm được đương nhiên phải do Tống Thiêm Tài giữ hết. Kỳ thật, nàng cũng coi như là sợ Tống Đại Sơn nóng đầu hảo tâm, đạp hư tiền của con trai.
Trần Quế Chi biết Tống Đại Sơn ưa mặt mũi, tiền là nhi tử kiếm được, hắn sẽ không thể không biết xấu hổ há mồm đòi. Dù sao, tiền nàng kiếm đều để cho nhi tử tôn tử, ở nhà không lo ăn không lo mặc, Tống Thiêm Tài còn thường xuyên cho nàng tiền tiêu vặt, nàng thật sự không muốn quản số tiền này.
Trên người Tống Thiêm Tài không có quá nhiều tiền, hắn muốn tự mình quản lí, tích cóp chút tiền vốn để tới Tuyền Châu nhìn xem có mối làm ăn nào không. Cho nên hắn cũng không chối từ, nhưng vẫn trích ra một trăm văn gửi Trần Quế Chi, bảo Trần Quế Chi mỗi ngày cho Tống Đại Sơn mười văn tiêu vặt.
Trần Quế Chi dù xót tiền thì cũng sẽ không cự lại lời nhi tử, từ đó đành phải mỗi ngày cho Tống Đại Sơn mười văn tiền, lần nào cũng tóm Tống Đại Sơn lại lải nhải một hồi, bảo hắn không được tiêu xài lung tung. Đương nhiên, sau này sinh ý của cửa tiệm ngày càng tốt, Trần Quế Chi trong lòng vui sướng, cũng bèn không tiếp tục dong dài.
Sau nửa tháng khai trương, quán trà nghênh đón một đội ngũ lớn hơn trăm người, nghe nói là từ thương đội khác biết được quán trà Tống ký không tồi, bèn dẫn đội tới đây nghỉ ngơi một chút. Tống Thiêm Tài nhìn ra đây là một mối làm ăn lớn bèn tự mình ra tiếp đón, cũng may lúc trước có ba bốn cái bàn và nguyên bộ ghế dựa ở nhà cũ để dự phòng.
Tống Đại Sơn nhanh chóng nhờ Tống Đại Hải dọn thêm hai bộ bàn ghế lại đây mới đủ, may là trời nắng nên đặt ở bên ngoài cũng được. Thịt đầu lợn mỗi bàn hai cân, món kho không đủ, đành phải thay bằng đậu phộng nước muối, trứng vịt muối cho đủ lượng. Trần Quế Chi thấy chưng màn thầu không kịp bèn nhanh chóng vo gạo nấu cơm. Chờ cơm chín, nàng rưới lên mỗi bát ít nước kho, lại tặng mỗi người một chén canh xương hầm bí đao mới chiêu đãi ổn thoả những người này.
Bởi vì đồ ăn không đủ, màn thầu cũng không đủ, Tống Thiêm Tài bèn tặng thêm cho mỗi bàn một đĩa bánh bò trắng, một đĩa thổ sản rang và mười quả trứng luộc nước trà. Cơm tẻ nóng hổi phối với ít món kho, cộng thêm một chén canh và trứng vịt muối, mọi người lập tức ăn đến không buồn ngẩng đầu.
Cuối cùng, hán tử dẫn đầu kia thấy Tống Thiêm Tài tặng nhiều đồ lại dễ nói chuyện bèn đề điểm Tống Thiêm Tài vài câu. Từ giờ đến cuối năm còn hơn hai ba tháng, thương nhân đi lại trên con đường này chắc hẳn sẽ tăng lên. Tống Thiêm Tài trong lòng hiểu rõ, lại tặng thêm cho bọn hắn một ít thức ăn.
Ngày đó, Tống Thiêm Tài kiếm được hơn một lượng bạc. Thấy làm ăn ngày càng tốt, Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi vội không ngưng tay, Tống Tiểu Bảo bèn bị xem nhẹ. Đến khi Tống Tiểu Bảo ở nhà thiếu chút nữa bị canh nóng làm bỏng cẳng chân, tuy rằng không xảy ra chuyện gì lớn, nhưng nhìn Tống Tiểu Bảo nước mắt lưng tròng, mọi người ở Tống gia mới từ trong niềm vui sướng kiếm tiền thanh tỉnh lại.
Tống Tiểu Bảo mới hơn hai tuổi, ngày thường tuy rằng ngoan, nhưng con trai luôn bướng bỉnh. Thừa dịp người lớn không chú ý, nó bèn tự mình bò lên trên bàn nhìn thử xem trong bát có cái gì ngon. Kết quả bát bị đổ, canh nóng bên trong chảy vào đùi Tống Tiểu Bảo. Tống Thiêm Tài là người đầu tiên phát hiện, lúc ấy đã nhanh chóng dùng nước lạnh xối rửa, lại bảo Trần Quế Chi chiên dầu trứng bôi lên mặt đùi Tống Tiểu Bảo.
Tuy rằng trên đùi không nổi bọng nước, cũng không bị nhiễm trùng, nhưng vẫn khiến Tống Tiểu Bảo đau đến khóc nức nở.
Tống Thiêm Tài nghe Tống Tiểu Bảo khóc, nước mắt cũng tưởng như muốn rớt xuống, đồng thời vô cùng áy náy. Hắn lại tái phát bệnh cũ, vừa kiếm được chút tiền đã một lòng một dạ đâm đầu vào. Tống Tiểu Bảo vẫn còn bé xíu, đây còn chỉ là bị canh nóng làm bỏng cẳng chân, lần sau nếu như lại không để ý thì chẳng biết sẽ phát sinh chuyện gì. Cũng may Tống Tiểu Bảo lần này không sao, bằng không, Tống Thiêm Tài chỉ nghĩ thôi đã ra một thân mồ hôi lạnh.
Trần Quế Chi đặc biệt tự trách, cảm thấy mình không chăm sóc tôn tử cẩn thận. Tống Tiểu Bảo từ lúc sinh ra chưa từng phải chịu chút khổ nào, lần này bị nóng đỏ chân, nước mắt lưng tròng, nhìn thôi đã khiến lòng Trần Quế Chi thắt lại, cả ngày chỉ ôm Tống Tiểu Bảo không buông tay, thậm chí nghĩ có nên tìm vợ cho Tống Thiêm Tài để chăm sóc Tống Tiểu Bảo. Nàng luôn tự trách mình làm nãi nãi quá không xứng chức, cả ngày không nhấc lên nổi tinh thần để làm việc.
Cuối cùng, Tống Thiêm Tài lại khuyên nàng, quyết định thuê người đến quán trà hỗ trợ.
Bạn cần đăng nhập để bình luận