Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật
Chương 66: Nhà tắm
Huynh đệ của La lão đại - La Trường Nghiệp sớm đã phái tiểu nhị chờ ở cảng. Sau khi tiếp đón La lão đại, hắn bèn vẫy tay với nhóm kiệu phu mã phu đang nghỉ ngơi trên cảng. Ngay lập tức một nhóm người chuyên dỡ hàng xuất hiện, không cần đến người trong thương đội động một ngón tay. Tống Thiêm Tài dính ánh sáng của La lão đại cũng được chia cho hai cái xe ngựa để dọn hàng lên. Sau khi mọi người ngồi yên vị, đoàn người lập tức rời đi.
Tống Thiêm Tài mang theo hoa quả, ý của La lão đại là muốn mang luôn đến chỗ huynh đệ hắn bán, tuy rằng giá cả rẻ hơn chút nhưng vừa bớt việc lại có bảo đảm. Tống Thiêm Tài ngẫm nghĩ cũng bèn đồng ý. Hắn không chỉ kiếm tiền dựa số hoa quả này, hơn nữa đây vẫn là La lão đại chỉ dẫn cho hắn, hắn nhận tình.
Cửa hàng La Trường Nghiệp tiếp quản nằm ở phố tây Tuyền Châu. Mặt tiền cửa hiệu khá lớn, hầu hết vật dụng thường ngày đều có thể tìm được ở chỗ này. Mấy sọt hoa quả của Tống Thiêm Tài đặt tại đây liền có vẻ không đủ nhìn, La Trường Nghiệp làm chưởng quầy vốn dĩ cũng không cần tự mình ra mặt chiêu đãi, nhưng cuộc nói chuyện với La lão đại đã khiến hắn thay đổi thái độ, ra gặp Tống Thiêm Tài.
La Trường Nghiệp vóc dáng trung đẳng, thoáng hơi béo phì, nhìn thật ra có vẻ phúc hậu. Hắn lúc nào cũng cười ha hả, tạo cho người khác cảm giác hẳn là cực kỳ dễ nói chuyện, chẳng qua trong ánh mắt thường thường toát ra tinh quang thuyết minh rằng người này là một thương nhân lợi hại. Sau khi hàn huyên vài câu với Tống Thiêm Tài, hắn hẹn Tống Thiêm Tài hai ngày nữa tới cửa hàng tìm hắn, sau đó mới đi bàn chuyện với người mua công thức.
Còn đám hoa quả kia La Trường Nghiệp trả Tống Thiêm Tài tám mươi lượng bạc. Tuy rằng thấp hơn so với thị trường, nhưng giá này cũng coi như hợp tình hợp lí. Lúc ở trên thuyền Tống Thiêm Tài đã sớm hỏi thăm đại khái phong cách lối sống ở Tuyền Châu. Sau khi từ biệt huynh đệ La gia, hắn và Triệu Ngôn Tu bắt đầu đi tìm một nhà trọ ở phố tây để nghỉ chân.
Tuyền Châu đại khái cũng phân chia thành bốn phương đông nam tây bắc. Phía đông nhiều quyền quý nhất, ở toàn là các đại quan quý nhân. Phố bắc nghèo xác xơ, là nơi ở của đa số dân đen tóc húi cua hoặc những người dựa tay nghề ăn cơm. Chẳng qua đây cũng chỉ là cách nói tương đối, Tuyền Châu bốn phương thông suốt, cho dù là làm kiệu phu dốc sức một ngày cũng có thể kiếm được không ít tiền, có thể ở Tuyền Châu an cư lạc nghiệp ăn no mặc ấm không thành vấn đề.
Tống Thiêm Tài vốn dĩ muốn thuê nhà ở phố bắc, nhưng tưởng tượng đến phố bắc đủ loại tam giáo cửu lưu, môi trường hỗn loạn, tai hoạ ngầm quá nhiều. Dù có tiếc tiền đến đâu thì cũng không gì có thể sánh được với sự an toàn của hắn và Triệu Ngôn Tu, vì thế nên hắn mới tới phố tây thuê trọ. Đa phần người qua lại ở phố tây đều là thương nhân vận hoá, cửa hàng rất nhiều, khách điếm cũng vô số kể.
Trước đó Tống Thiêm Tài đã tìm hiểu kĩ nhà trọ định thuê rồi mới đi đặt một gian phòng. Từ sau lần gặp trộm trên thuyền, Triệu Ngôn Tu nói thế nào cũng không cho phép Tống Thiêm Tài đơn độc hành động. Chỉ cần tưởng tượng đến chuyện đã có người lòng mang ý xấu với bọn họ, mà Tống Thiêm Tài còn chẳng có chút giá trị vũ lực, Triệu Ngôn Tu nghĩ thôi đã thấy sợ.
Này nếu như gặp phải kẻ không chỉ muốn tiền tài còn muốn sát hại tính mạng thì Tống Thiêm Tài cũng xem như tàn đời. Triệu Ngôn Tu biết Tống Thiêm Tài thông minh có năng lực, nhưng đứng trước sức mạnh tuyệt đối thì có thông minh cỡ nào cũng chẳng mấy tác dụng. Lúc này, Triệu Ngôn Tu cảm thấy vô cùng may mắn là y biết võ nghệ, hơn nữa sức lực còn không yếu, có thể bảo vệ được Tống Thiêm Tài.
Cho nên, đặt phòng cũng chỉ được đặt một gian. Tiểu nhị khách điếm thấy Tống Thiêm Tài văn nhã, Triệu Ngôn Tu tuấn mỹ, lại còn muốn một phòng bèn cho rằng bọn họ là một đôi. Gã cười tủm tỉm dặn dò hai người những điều cần chú ý, sau đó mới tự mình hướng dẫn bọn họ trở về phòng mình.
Một phòng thường mỗi ngày một lượng bạc, Tống Thiêm Tài cắn răng giao tiền thuê mười ngày, trong lòng chỉ có một ý niệm nhất định phải tìm một cái nhà để ở. Tiền thuê phòng một ngày của khách điếm này gần bằng thu nhập một ngày ở quán trà của bọn họ. Cứ tiếp tục như vậy, chỉ riêng tiền thuê trọ thôi đã khiến hắn ăn không tiêu rồi.
Phòng của Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu có một cái giường lớn, một cái bàn và bốn cái ghế, còn có tủ quần áo và một cái bồn để rửa mặt chải đầu. Đảo mắt xung quanh thấy mặt đất sạch sẽ, khăn trải giường và chăn cũng sạch sẽ, Tống Thiêm Tài mới miễn cưỡng vừa lòng. Hắn sai tiểu nhị mang hai thùng nước tắm lên, định tắm rửa một phen cho sảng khoái.
Từ Tống gia thôn đến Tuyền Châu nửa tháng này hắn chỉ lau người chứ không được tắm, thân mình bẩn đến chính hắn cũng không chịu nổi. Tiểu nhị cười nói: "Hai vị khách quan, bên cạnh khách điếm của chúng ta có một cái nhà tắm nam, mỗi người một trăm văn. Như hai vị thì ngược lại có thể bỏ ra 500 văn bao một gian nhỏ khoan khoái một phen. Nhà tắm này chính là nơi đáng đến của nam nhi chúng ta. Tiêu mấy văn tiền lẻ, ngâm nước tắm một lúc, sau đó lại tìm một vị sư phụ giúp xoa bóp lưng, cho dù là thần tiên thì cũng chỉ có thế."
Nhà tắm ở Tuyền Châu rất được bình dân bá tánh hoan nghênh, lại còn là do triều đình đi đầu. Người buôn bán nhỏ vào bên trong ngâm mình thư giãn gân cốt, nghỉ chân một chút rồi giao lưu khoác lác với nhau, quả thực đúng là trộm kiếp phù du nửa ngày nhàn, quá sung sướng. Đương nhiên, Tuyền Châu nơi đây có không ít huynh đệ kết khế, nhóm lão bản nhà tắm bèn chia ra làm bồn lớn và bồn bé, bồn bé giá đắt nhưng lại có thể bao một gian riêng, vô cùng được nhóm huynh đệ kết khế hoan nghênh.
Tiểu nhị cho rằng Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu là một đôi cho nên mới kiến nghị như vậy. Tống Thiêm Tài vừa nghe xong đã lập tức cảm thấy hứng thú. Nhưng nghĩ đến bọn họ vừa mới tới Tuyền Châu, trời xa đất lạ, đi tắm cùng một lúc nếu gặp phải trộm thì biết làm sao.
Tống Thiêm Tài khó xử, nhưng lời này lại khó mà nói cho người ngoài nghe. Tiểu nhị đi xuống, Triệu Ngôn Tu thấy Tống Thiêm Tài vừa rồi còn kích động giờ đã lộ vẻ mặt do dự, tưởng tượng một chút đã hiểu ra nỗi lo của Tống Thiêm Tài. Không lâu sau, Tống Thiêm Tài mở miệng nói: "Ngôn Tu, nếu không ngươi đi tắm trước đi, ta ở đây chờ. Chúng ta mới đến, dù sao cũng không thể lơ là bất cẩn. Ở khách điếm tuy nhìn thì an toàn, nhưng cẩn thận là không bao giờ sai, vẫn nên có người ở lại đây trông chừng thì hơn."
Triệu Ngôn Tu lại lắc đầu nói: "Không được, đại ca, chính bởi vì ở Tuyền Châu trời xa đất lạ nên ta lại càng không thể mặc kệ ngươi đi ra ngoài một mình. Mất tiền cũng chẳng sao hết, nhưng đại ca nhất định không thể gặp chuyện. Ta thấy thế này, chúng ta mang ngân phiếu trên người, tới nhà tắm thì thuê một gian riêng để tắm. Quần áo đặt ở ngay dưới mí mắt, hẳn không thể bị người khác cầm đi."
Tống Thiêm Tài ngẫm nghĩ thấy cũng đúng bèn gật đầu đồng ý. Hai người cầm theo quần áo sạch sẽ, lại khóa cửa phòng, hỏi tiểu nhị vị trí nhà tắm rồi bắt đầu xuất phát.
Nhà tắm nam cạnh khách điếm tên là Hoà Viên Thang, tấm biển hiệu lớn treo từ xa đã có thể nhìn thấy. Hai người vừa bước vào đã cảm thấy sinh ý nơi này rất tốt. Có tiểu nhị nhìn thấy bọn họ bèn lập tức tới tiếp đón, Tống Thiêm Tài nói thẳng muốn một gian nhỏ đơn độc, thanh toán tiền, lãnh hai đôi guốc gỗ rồi được tiểu nhị dẫn vào trong.
Mỗi gian nhỏ có một bồn gỗ lớn hình chữ nhật dài ba mét rộng một hơn mét, bên cạnh có khăn lông, tủ chứa quần áo đều đầy đủ hết. Tiểu nhị ở ngay trước mặt bọn họ đổ đầy nước ấm vào bồn, bên cạnh nhóm một cái bếp lò đun nước ấm.
Tiểu nhị của nhà tắm hướng dẫn Tống Thiêm Tài Triệu Ngôn Tu tuỳ theo bọn họ muốn dội rửa hay là ngâm mình mà thêm nước lạnh cho phù hợp. Tống Thiêm Tài nhìn bên cạnh có hai cái lu nước to, trên nóc còn có nắp mở thông với bên ngoài bèn gật gật đầu. Nhà tắm này làm ăn cũng không tệ lắm, ít nhất biết phải thông khí, bằng không đốt than tuy ấm áp thật, nhưng vô ý một cái là sẽ trúng độc.
Sau khi đuổi tiểu nhị ra ngoài, hai người bèn bắt đầu cởi quần áo đặt ở ngăn tủ cách đó không xa. Tống Thiêm Tài sợ đi vào ngâm sẽ khiến nước bị bẩn nên múc nước tắm sơ qua trước. Triệu Ngôn Tu cũng như vậy. Thấy ai cũng kì ra một đống ghét dày cộp, cả hai đều bật cười.
Sau khi dội rửa hai lần, cảm giác trên người không còn quá bẩn như trước, Tống Thiêm Tài mới kêu Triệu Ngôn Tu đổ thêm ít nước ấm rồi cùng nhau vào bồn gỗ ngâm mình. Tống Thiêm Tài cảm thấy cực kì thoải mái. Thời gian vừa qua màn trời chiếu đất, khiến cho Tống Thiêm Tài từ khi tới chỗ này vẫn luôn an nhàn cảm thấy có chút mệt nhọc. Đặc biệt là cái thân thể này nào so được với thân thể làm cu li từ nhỏ ở kiếp trước. Chỉ mới chạy nửa tháng như vậy thôi đã rõ ràng có chút chịu không nổi rồi.
Triệu Ngôn Tu cũng phát hiện ra điều đó, chờ khi Tống Thiêm Tài giúp y chà lưng xong bèn nói: "Đại ca, ta biết huyệt đạo, có cần ta giúp ngươi bấm mấy cái cho thư giãn gân cốt không?"
Tống Thiêm Tài kinh ngạc, không nghĩ tới Triệu Ngôn Tu còn biết ngón nghề này, cười nói: "Quá tốt, không ngờ ngươi còn biết cái này, hôm nay kẻ làm đại ca đây phải thoải mái hưởng phúc mới được." Nói xong bèn tựa vào cạnh bồn gỗ chờ Triệu Ngôn Tu động thủ.
Triệu Ngôn Tu đầu tiên nhẹ nhàng gõ mấy cái trên lưng Tống Thiêm Tài thử lực đạo, sau đó mới bắt đầu giúp Tống Thiêm Tài bấm huyệt. Tống Thiêm Tài thoải mái đến thét to, tiểu nhị nhà tắm vừa đến trước cửa chuẩn bị thêm than, nghe thanh âm này bèn tránh đi thật xa.
Sau khi thoải mái xong, Tống Thiêm Tài cũng muốn xoa bóp lại cho Triệu Ngôn Tu, không nói năng gì đã ấn Triệu Ngôn Tu bắt đầu xoa xoa gõ gõ. Triệu Ngôn Tu lớn lên tuấn tú, da dẻ trắng nõn, đã vậy còn đa tài khiến Tống Thiêm Tài vô cùng ghen ghét. Nhất là mỹ nhân ngư tuyến kia quả thật khiến Tống Thiêm Tài vừa mới luyện tập cho thân thể rắn chắc hơn chút phải hung hăng hâm mộ một phen.
Tay nghề của Tống Thiêm Tài không thể so với người biết huyệt vị như Triệu Ngôn Tu, tuy vậy cũng coi như đủ tư cách. Ít nhất sau khi được Tống Thiêm Tài xoa bóp lưng, Triệu Ngôn Tu đã ngồi dựa vào bồn gỗ hơi mơ mơ màng màng.
Tắm rửa một phen, hai người thần thanh khí sảng, cảm giác nhẹ nhàng như vừa ném phăng tay nải mấy chục cân. Thu quần áo bẩn xong, hai người tới quầy trả guốc gỗ. Bỗng nhiên có một người trung niên đụng phải Tống Thiêm Tài. Triệu Ngôn Tu tay mắt lanh lẹ kịp thời túm lấy Tống Thiêm Tài, người nọ thì đâm sầm xuống mặt đất, nước trong cái thùng gỗ lão đang xách đổ ra lênh láng.
Tống Thiêm Tài cảm thấy kỳ quái, đường rộng như vậy sao lại có người đâm vào hắn được? Chẳng lẽ gặp phải ăn vạ? Nghĩ vậy, Tống Thiêm Tài lập tức đề cao cảnh giác, kéo Triệu Ngôn Tu chuẩn bị chạy lấy người, đỡ cho bị người ta ăn vạ.
Chẳng qua lần này quả thật là Tống Thiêm Tài nghĩ nhiều. Người đàn ông trung niên này tự đứng lên, lập tức cúi đầu lấy lòng nói với Tống Thiêm Tài: "Khách quan, xin lỗi, vừa rồi đi đường không để ý, không đụng phải ngươi chứ."
Tống Thiêm Tài lắc đầu nói: "Ta không có việc gì, lần sau chú ý một chút là được." Nói xong lại lôi kéo Triệu Ngôn Tu chuẩn bị rời đi. Nhưng người trung niên này bỗng nhiên kích động ngẩng đầu nói: "Khách quan, nghe khẩu âm của ngươi là đến từ Đại Đồng đó ư, không biết có phải ở Vĩnh Nhạc trấn hay không?"
Vừa nghe người này hỏi vậy, Tống Thiêm Tài cẩn thận nhìn vào mắt người đàn ông, trong lòng sửng sốt. Người này tướng mạo không ngờ lại có vài phần tương tự với Trần Đại Thạch. Mà lão lại nhắc đến Vĩnh Nhạc trấn một cách kích động như vậy... Đầu Tống Thiêm Tài lập tức nảy số, hiểu ra vị này mười thì có tám, chín phần chính là người cha mang theo chân ái đi xa tha hương của Trần Đại Thạch đây mà.
Có phần băn khoăn này, Tống Thiêm Tài cũng không trực tiếp trả lời mà chỉ hỏi: "Lão bá, ngươi và ta trước nay không quen biết, bỗng nhiên hỏi quê quán của ta ở đâu chỉ e là không quá thích hợp." Một gã đàn ông bỏ vợ bỏ con, không màng sống chết của già trẻ lớn bé trong nhà, lúc này mới hỏi hắn chuyện ở Vĩnh Nhạc trấn có phải đã quá muộn rồi hay không. Mặc kệ là lão bỗng nhiên lương tâm bộc phát hay là có sở đồ gì, Tống Thiêm Tài đều không muốn phản ứng.
Người đàn ông trung niên bị Tống Thiêm Tài nói như vậy, trên mặt hiện lên vẻ xấu hổ, vừa định nói cái gì thì bỗng nghe thấy có người hô: "Lão Trần, mau tới đổ đầy nước cho phòng số 2. Bằng không lát nữa khách nhân tới thì không tiện ra vào." Người trung niên nghe vậy, cũng không rảnh lo nói chuyện với Tống Thiêm Tài nữa mà lập tức nhặt thùng gỗ bên cạnh vội vã rời đi.
Lão vừa đi, Triệu Ngôn Tu ở bên tai Tống Thiêm Tài thì thầm: "Đại ca, người này có phải trông hơi giống Đại Thạch ca đúng không? Chẳng lẽ, hắn là......"
Tống Thiêm Tài gật gật đầu, thấp giọng nói: "Ta thấy tám, chín không rời mười. Chúng ta với Đại Thạch ca quan hệ không tồi, nếu đã gặp thì cũng phải hỏi cho rõ ràng. Đi, chúng ta đi về trước. Nếu hắn đã ở chỗ này làm việc, chúng ta hẳn có thể tra ra được một vài."
Hai người cùng nhau trở về khách điếm, bụng cũng đói rồi nên ngồi ở sảnh lớn mỗi người gọi một bát mì ăn. Lúc này chưa phải giờ cơm, trong khách điếm không có mấy người, tiểu nhị khách điếm hơi lười nhác trốn ở góc phòng trộm lười. Tống Thiêm Tài trong lòng có chuyện, chờ tiểu nhị bưng mì tới bèn mở miệng hỏi: "Tiểu nhị ca, không biết ở đây có chỗ nào có người giặt thuê không nhỉ?"
Tiểu nhị cười nói: "Khách quan, ngươi hỏi đúng người rồi, cả dãy phố tây này không một ai là ta không biết. Các thím chuyên giặt thuê ta cũng biết mấy người, mỗi ngày các nàng đều đến khách điếm của chúng ta một lần để thu chút quần áo và chăn ga gối đệm bẩn đi giặt."
Nội y thì Tống Thiêm Tài tự mình giặt được, nhưng áo ngoài thì hắn sợ giặt không sạch sẽ, cho nên mới nghĩ tới chuyện thuê người giặt hộ.
Cảm tạ tiểu nhị một phen, hai người hàn huyên một hồi, Tống Thiêm Tài giả vờ kinh ngạc hỏi: "Tiểu nhị ca, ngươi có biết lão Trần ở nhà tắm kia không? Hôm nay ta lần đầu tiên tới đó, vậy mà lại bị hắn ngăn đón hỏi tới từ đâu làm ta giật cả mình. Chẳng lẽ người này gặp ai cũng phải hỏi như vậy sao? Nhìn hắn có vẻ trung thực, hỏi người ta như vậy chẳng lẽ là có lý do gì khó nói?"
Tiểu nhị nghe vậy cười nhạo nói: "Lão Trần kia sao, nhà ở tại phố bắc, vợ chính là người giặt thuê. Hai người không có con cái, nghe nói là từ Đại Đồng tới đây. Lão ban đầu còn từng có một người vợ, nghe nói chính vì người đó mà lão trở mặt mới mọi người ở quê quán, sau đó mới đến Tuyền Châu. Nhưng người vợ kia mặt mũi xinh xắn, sau khi tới đây lại thông đồng với một tiểu thương nhân theo về làm thiếp ăn sung mặc sướng. Mà lão Trần này quê quán không về được, lại không một ngón nghề nuôi thân, chỉ có thể ở cảng làm kiệu phu. Không nhà không nghề, có tiền thì tiêu, cuộc sống trải qua cũng coi như tự tại. Sau khi già rồi, không còn sức mà bán nữa đành phải tới nhà tắm làm tạp dịch. Sau này lão cưới một người vợ đanh đá, không con cái gì, hai người cứ thế sống tạm bợ. Lão Trần mỗi lần gặp được người nào mang khẩu âm Đại Đồng đều phải hỏi một câu, nói là ở quê lão còn có đứa con trai, muốn trở về tìm nhi tử để về sau dưỡng lão tống chung."
Bạn cần đăng nhập để bình luận