Kiếm Lai
Chương 125: Thích một chút
Trần Bình An bỗng phát giác hô hấp của mình hơi đình trệ, bèn ngồi xuống ngưỡng cửa, nín thở tập trung, mười ngón tay kết thành thủ ấn thế quyền.
Sau một nén nhang Trần Bình An mới cảm thấy khí tức ổn định thông suốt. Hắn vừa định đứng lên, khóe mắt nhìn lướt qua, lại đặt mông ngồi xuống ngưỡng cửa, trợn to hai mắt. Chẳng biết từ lúc nào lại có một khối đá đen nằm yên lặng nơi góc sân, đó là đá mài kiếm tốt nhất trên thế gian, Trảm Long Đài.
Trần Bình An vội vàng đứng dậy bước nhanh tới, ngồi xuống cẩn thận xem xét. So với bệ đá dưới chân tượng thần Thiên Quan đổ nát trước đó, khối đá này giống như bị người ta dùng dao cắt đậu hủ, một dao thẳng xuống gọn gàng chia ra làm hai. Trần Bình An xoa cằm, đổi vị trí từng chút một, chuyển sang hướng khác ngồi xuống, đi một vòng đông nam tây bắc. Khi cái mông trở lại vị trí ban đầu, hắn càng xác định đây chính là cái bệ dưới chân pho tượng thần “Bồ Tát gật đầu” kia.
Chuyện này khiến Trần Bình An hoảng hốt. Mặc dù Ninh cô nương thích nói mấy câu khẩu khí hùng hồn, nhưng khi trầm tĩnh khoanh tay thì những lời nàng nói chắc chắn đều không phải giả. Nàng nói Trảm Long Đài rất kiên cố, chỉ có đại kiếm tiên trả giá lớn mới chém ra được, Trần Bình An tin chắc điều này. Vậy khối Trảm Long Đài này tự mình mọc chân, sau đó chạy thẳng đến nhà Trần Bình An hắn à?
Hôm nay Trần Bình An đã biết trên đời thật sự có thần tiên quỷ quái, còn có ma núi yêu tinh nhiều vô số kể, nhưng đá thành tinh thì khả năng không lớn chứ? Hơn nữa nó chạy đến nhà ai cũng có thể hưởng phúc, còn chạy vào nhà mình ngoại trừ chịu tội thì có thể làm gì, có yêu tinh đá ngốc như vậy sao?
Trần Bình An thử dò hỏi:
- Này, ngươi có thể nói chuyện không? Hoặc là có thể hiểu ta nói gì không?
Đương nhiên không thể.
Thiếu niên nghi thần nghi quỷ lắc lắc đầu, không thể xác định được.
Có lẽ là do cõi mộng trước đó quá chân thật, đến bây giờ Trần Bình An vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, nhìn cái gì cũng cảm thấy kỳ lạ.
Rất nhiều chuyện nhỏ trước đây không suy nghĩ sâu xa, bây giờ móc nối lại với nhau dường như trong thoáng chốc trở nên thông suốt.
Tề tiên sinh nói trên đời có rất nhiều chuyện không thể suy nghĩ theo lẽ thường. Ninh Diêu cũng nói trời đất bên ngoài muôn màu muôn vẻ. Dù là lão Diêu cũng đã từng nói rất nhiều chuyện linh tinh, chỉ riêng việc lên núi đơn giản cũng có đủ loại học vấn. Chẳng hạn như mấy cái đôn gỗ già nua không nổi bật kia có thể là ghế ngồi của sơn thần, không thể ngồi được. Còn nói núi non trên đời dù lớn hay nhỏ đều có chung nguồn gốc, chỉ là phân chia ông cháu mà thôi.
Lúc này Trần Bình An đột nhiên rất hiếu kỳ muốn biết làm thế nào mới có thể nhìn thấy toàn cảnh động tiên Ly Châu chứa trấn nhỏ. Có phải chỉ khi leo lên đỉnh núi cao hơn cả núi Phi Vân kia mới có thể nhìn không bỏ sót?
Trần Bình An ngừng suy nghĩ, cúi đầu nhìn khối đá màu đen kia, muốn mang nó đến tiệm rèn, Ninh cô nương nhất định sẽ dùng được khối đá mài kiếm này. Còn như đến lúc đó Ninh cô nương xử lý thế nào, là tự mình mài kiếm hay giao cho Nguyễn sư phụ để cảm ơn đúc kiếm, Trần Bình An cũng không để tâm. Hắn chỉ tò mò đá mài kiếm rốt cuộc sẽ mài như thế nào, không phải giống như mình mài dao chẻ củi chứ?
Trước giờ Trần Bình An làm việc không hề chần chừ, sau khi quyết định liền bắt tay vào làm, dùng hai tay nhấc đá mài kiếm lên. Có thể nhấc lên cách mặt đất hơn một tấc, hơi nặng nhưng còn không đến mức không khiêng nổi, như vậy cũng dễ xử lý. Hắn liền đi vào nhà tìm một cái sọt.
Rất nhanh thiếu niên đã vác sọt đi ra ngõ Nê Bình, dùng một bộ quần áo trùm lên đá mài kiếm.
Sau khi rời khỏi ngõ Nê Bình, Trần Bình An phát hiện trên đường lớn có rất nhiều người. Có lẽ là do đêm tối đột ngột kéo tới khiến người ta hoảng sợ, bây giờ mới được nhìn thấy mặt trời, ai cũng muốn ra ngoài hít thở. Cho nên phần lớn dân chúng trấn nhỏ đều rời khỏi nhà, đi ra đường lớn, bàn luận sôi nổi. Thỉnh thoảng có người vội vàng chạy qua, la lên giếng Thiết Tỏa đã hoàn toàn khô cạn rồi, ngay cả xích sắt treo trong giếng trăm ngàn năm, cũng không biết bị tên khốn nào lén mang về giấu trong nhà. Còn có đám trẻ chỉ lo thiên hạ không loạn, tụm năm tụm ba nhảy nhót tung tăng, mặt mày hớn hở, nói lung tung về tai nạn của cây hòe già kia.
Hóa ra “chỉ trong một đêm” cây hòe già kia đã bị nhổ tận gốc, ngã trên đường lớn, nhánh hòe vỡ nứt và lá hòe khô héo rơi đầy đất. Ban đầu rất nhiều dân chúng ở gần cảm thấy không nên lãng phí, bèn tiện tay nhặt cành lá về nhà nhóm lửa. Một số đàn ông trơ trẽn bị phụ nữ nhà mình thúc giục, đành xách dao chẻ củi đi chặt mấy nhánh hòe lớn hơn. Không phải là không có người ngăn cản, phần lớn cụ già trong trấn nhỏ nhiều đời sống ở chung quanh cây hòe già đều rất đau lòng, mắng chửi thẳng mặt đám đàn ông phụ nữ chiếm lợi thất đức kia. Cũng có cụ già tận tình khuyên bảo, nói rằng cây hòe già có ngọn nguồn với trấn nhỏ, nó còn có linh tính, nhiều năm như vậy ngay cả cành khô rơi xuống cũng chọn thời điểm đêm khuya vắng người, không muốn đập trúng đầu người khác, chưa kể mỗi lần thu hoạch không tốt, hoa hòe như gạo đã lấp đầy bụng của bao nhiêu người.
Nhưng không có tác dụng, đám đàn ông trai tráng có người không thèm để ý, vẫn vùi đầu đốn cây, có người tính khí nóng nảy còn xung đột với đám người già, xô xô đẩy đẩy, tóm lại là khá lộn xộn.
Sau khi nghe được tin tức của cây hòe già, Trần Bình An đang vác cái sọt liền do dự, bước chân chậm lại, đi ba bước lại quay đầu nhìn về hướng cây hòe già. Trực giác nói cho hắn biết nên đến chỗ cây hòe xem thử, nhưng từ đáy lòng lại có một giọng nói bảo hắn mau đi đến tiệm rèn.
Hắn đột nhiên nhìn thấy một bóng dáng linh hoạt như gió đi sát qua bên cạnh mình, đó là một bé gái mặc áo bông đỏ chót. Khiến người ta dở khóc dở cười là trên vai tiểu khuê nữ này còn vác một nhánh hòe to như cánh tay đàn ông, dài như thân người. Bước chân của bé gái nhanh như bánh xe, rất hoạt bát xinh xắn.
Trần Bình An vừa nhìn liền nhận ra cô, đó là bé gái thường đi lại một mình, tới lui như gió, thích dạo chơi chung quanh trấn nhỏ. Cô và Cố Xán thuộc loại không đánh nhau thì không quen biết, trước đây không lâu Trần Bình An từng gặp cô bé ở Lưng Trâu Xanh, đi theo bên cạnh những nhân vật thần tiên kia, hình như còn có quan hệ rất tốt với đạo cô trẻ tuổi. Hắn còn tặng cho cô bé một viên đá mật rắn nhỏ.
Trần Bình An vội vàng cất tiếng gọi. Bé gái mặc áo bông đỏ quay đầu sang, nhìn thấy Trần Bình An liền nhếch miệng cười, đôi mắt như nước mùa thu biết nói, giống như đang bảo “ngươi có chuyện gì thì nói mau đi, ta đang nghe đây, ta còn bận dọn nhà cho đám kiến nữa”.
Trần Bình An nín cười, vẫy tay nói:
- Anh thương lượng với em chuyện này, nhiều nhất làm chậm trễ em một lát thôi.
Bé gái mặc áo bông đỏ chót vác nhánh cây chạy tới như gió cuốn, hơi nghiêng người, ngẩng đầu lên tỏ ra nghi hoặc.
Trần Bình An hỏi:
- Nhánh cây này là em mang từ chỗ cây hòe già về đúng không?
Bé gái gật đầu, tiếc nuối nói:
- Nếu không nhanh một chút thì sẽ bị người ta lấy sạch. Em yếu sức nên chỉ có thể mang được nhánh lớn chừng này, muốn tranh thủ chạy thêm mấy chuyến.
Tâm tư Trần Bình An nhanh chóng xoay chuyển, thử dò hỏi:
- Nếu nhà em ở chỗ đường Phúc Lộc, vậy thì xa lắm. Nếu như tin anh thì có thể đặt nhánh hòe ở trong sân nhà anh trước, như vậy em có thể đi về thêm mấy chuyến.
Bé gái yên lặng cân nhắc thiệt hơn, vừa nghiêm túc suy nghĩ vừa quan sát ánh mắt và sắc mặt của Trần Bình An. Có lẽ cảm thấy Trần Bình An không có ý xấu, cô gật đầu nói:
- Vậy anh muốn em làm gì? Trước tiên phải nói rõ, em không khiêng nổi nhánh cây quá lớn, nặng lắm, bây giờ vai của em đã giống như bị lửa đốt rồi.
Trần Bình An lấy ra một xâu chìa khóa, tháo một chiếc trong đó đưa cho bé gái:
- Đây là chìa khóa cửa viện nhà anh, em cầm đi. Anh không cần em làm gì nhiều, chỉ là lúc tranh giành nhánh hòe, xem thử trên đất có lá cây màu xanh chưa ố vàng hay không, nếu có thì nhớ nhặt giúp anh.
Cô bé không cầm lấy chìa khóa, mở to hai mắt:
- Chỉ như vậy?
Trần Bình An cười nói:
- Đúng, chỉ như vậy. Em biết chỗ nhà anh chứ?
Cô bé ừ một tiếng:
- Tính từ phía bên trái ngõ Nê Bình, nhà thứ mười hai.
Cuối cùng cô vẫn không cầm lấy chìa khóa:
- Tường nhà anh không cao, em có thể nhẹ nhàng bỏ nhánh hòe vào đó, không cần mở cửa viện ra.
Trần Bình An mới cất chìa khóa vào, bé gái mặc áo bông đỏ đã xoay người chạy như bay rời đi.
Hắn cảm thấy cô bé này giống như hắn lúc vào núi, cô là đi đường băng ngõ, còn hắn là trèo đèo lội suối.
Trần Bình An ra khỏi trấn nhỏ, đi thẳng về phía nam. Khi hắn đến gần “cầu mái che”, lại ngạc nhiên phát hiện không thấy mái che nữa, đã trở lại thành chiếc cầu vòm đá cũ kỹ trong trí nhớ.
Chẳng biết tại sao, cầu mái che mặc dù mới tinh hoành tráng, còn treo tấm biển chữ vàng chói lóa, nhưng Trần Bình An vẫn thích chiếc cầu cũ trước mắt hơn.
Hắn đứng ở một đầu cầu đá, bỗng nhiên nhớ tới giấc mộng không thể giải thích kia, bèn hít thở sâu một hơi, chậm rãi đi lên dốc.
Càng đến gần giữa cầu thì Trần Bình An càng khẩn trương, vốn là mồ hôi đầm đìa, lúc này càng mồ hôi như mưa. Nhưng đến khi hắn đi thẳng qua bên kia cầu cũng không có chuyện gì xảy ra. Trần Bình An cười tự giễu, bước nhanh hơn đi về hướng tiệm rèn.
- --------
Bên phía Lưng Trâu Xanh, lão Dương ngồi ở ven rìa vách đá màu xanh, rít từng hơi thuốc lá.
Đầm nước dưới chân ông lão nổi lên từng cơn sóng gợn, ánh sáng lấp lóa. Dưới mặt nước giống như có rất nhiều rong rêu đang lắc lư, dù đang là ban ngày vẫn lộ ra một sự âm u kỳ quái không thể nói rõ được.
Trên mặt nước dần dần hiện ra một gương mặt bà lão mơ hồ, mái tóc màu xanh đen xõa ra trong nước. Lúc này bà lão giống như cha mẹ chết, run giọng nói:
- Đại tiên, đêm qua tôi thật sự không dám tới gần bên đó. Tôi đã thử nhiều lần rồi, vừa đi qua thì giống như chui vào chảo dầu, còn khó chịu hơn bị cắt thành ngàn mảnh. Đại tiên, ngài tha cho kẻ hèn này đi, thật sự không có cách nào cả.
Lão Dương lạnh nhạt nói:
- Ta tới không phải để khởi binh hỏi tội. Sau này ngươi cũng vậy, chỉ cần làm việc trong khả năng cho phép, không cẩu thả là được rồi. Nhưng hiện giờ có một cơ hội ngàn năm khó gặp đặt ở trước mặt ngươi, phải xem ngươi có dám nắm bắt hay không.
Gương mặt màu xanh lá đậm của bà lão lắc lư theo nước, có một vẻ kỳ bí âm trầm không thể diễn tả. Nghe được vị đại tiên kia có ý chỉ cho mình một con đường sáng, vội vàng ra vẻ rửa tai lắng nghe.
Ông lão chậm rãi nói:
- Hôm nay động tiên nhỏ đã từ từ rơi xuống nhân gian, tiếp giáp với mặt đất, đang trong thời kỳ mấu chốt ăn sâu bám rễ, không bao lâu nữa sẽ liền một mạch với lãnh thổ vương triều Đại Ly. Ngươi chỉ có thể được gọi là hà bà (bà chúa sông) chứ không phải hà thần (thần sông), giống như ở vương triều thế tục, ngươi chỉ là một viên chức nhỏ không thuộc cấp bậc Thanh Lưu (1), còn không thực sự lấy được chức quan, kém một bước nhưng khác biệt một trời một vực.
Lão dùng tẩu thuốc cũ chỉ về hướng cầu vòm đá:
- Sở dĩ như vậy không phải do khu vực quản lý của ngươi nhỏ, mà là địa bàn của ngươi bị chặn ngang cắt đứt. Nhìn thấy cây cầu kia không, chính nó đã chặt đứt hương khói tương lai của ngươi. Bây giờ chỉ cần ngươi có thể bơi qua phía dưới cầu, sẽ có được tiền đồ rộng lớn. Con suối nhỏ mà ngươi ở, tương lai sẽ trở thành đầu nguồn của rất nhiều sông ngòi quan trọng. Đừng nói là thần sông hạ đẳng tóc xanh chỉ dài mấy trăm dặm, cho dù muốn được Đại Ly sắc phong thành thần sông lớn, tóc dài đến mấy ngàn dặm cũng không khó.
Con ngươi của bà lão khẽ chuyển động.
Lão Dương cũng không thúc giục, cười nói:
- Thực ra nằm trong bùn lầy cũng rất thoải mái, tại sao phải cần người khác đỡ lên, đúng không?
Trước đó bà lão sợ sệt nên không dám đồng ý ngay, lúc này nghe được lời châm chọc của đại tiên, trong lòng biết không ổn, lập tức xin tha thứ, khiến nước suối đầm sâu cũng cuộn trào theo.
Ông lão hờ hững nói:
- Muốn tiếp tục làm một con cá chạch vẫy đuôi mừng chủ, hay là hóa thành giao long trấn giữ đường thủy một phương, tất cả đều tùy thuộc vào lần này. Còn nữa, đừng quên ban đầu ta đã nói với ngươi thế nào, con đường này không có lối để quay về, chỉ có thể đi đến cuối cùng. Trên đời không có chuyện làm một mẻ khoẻ suốt đời, nói khó nghe thì dân chúng trấn nhỏ ai cũng có thể được báo đáp nhờ làm việc thiện, nhưng dù thế nào cũng không đến phiên ngươi.
Vị đại tiên thần thông quảng đại kia càng thản nhiên như vậy, bà lão càng thấp thỏm bất an, cuối cùng kiên quyết cắn răng, nhanh chóng lặn xuống nước.
Sau chốc lát bóng dáng bà lão đã biến mất, nhưng trong dòng suối giữa Lưng Trâu Xanh và cầu vòm đá, giống như có một cái bóng màu xanh lá đậm, xiêu xiêu vẹo vẹo bơi về hướng hạ du.
Cái bóng này tới gần cầu vòm đá thì tốc độ chậm lại, cuối cùng giống như con rùa bơi trong nước.
Khi còn cách đầm sâu dưới cầu vòm đá hơn mười trượng, bóng dáng bà lão đột nhiên tăng tốc, hiển nhiên là muốn cầu phú quý trong nguy hiểm, liều mạng một lần.
Bơi thẳng qua, hoàn toàn thông suốt.
Bà lão bơi một mạch ra mấy chục trượng, bóng dáng dưới nước đảo một vòng. Vì ăn mừng mình còn sống sót, không kìm được quay từng vòng, mái tóc xanh quấn quanh thể xác gầy còm đã không còn máu thịt kia.
Vị hà bà này đứng thẳng trong nước suối, ngẩng đầu nhìn về phía cầu vòm đá kia, cuối cùng nhìn thấy rõ ràng thanh kiếm cổ xưa. Nó vẫn rỉ sét loang lổ, không hề khác với thứ bà nhìn thấy khi còn là trẻ con, lúc niên thiếu, trở thành thiếu phụ.
Nhưng sau phút chốc, bà lão chỉ nhìn thanh kiếm cũ này thêm một chút, hai con ngươi lập tức nứt toác ra.
Bà lão kêu gào, nước suối quay cuồng làm nổi lên hoa sóng.
Một hồi lâu sau, đoạn khe suối nhỏ này mới khôi phục sóng yên gió lặng. Bà lão lại mọc ra một đôi mắt khác, nhưng khí tức trở nên yếu ớt. Bên tai vang lên giọng nói của vị đại tiên kia:
- Người ta không đế ý đến ngươi, đó là do tổ tiên nhà ngươi phù hộ, đừng có được voi đòi tiên. Nhớ kỹ, sau này đi qua cầu đá đừng nên ngẩng đầu.
Bà lão vâng dạ nói:
- Không dám nữa, sẽ không dám nữa.
Giọng nói của lão Dương từ xa xôi truyền đến:
- Ngươi cứ đi về hướng hạ du, xem thử có thể bơi được đến đâu. Lúc đi qua tiệm rèn kia thì đ.ừng quá ngông cuồng. Nhưng cũng không cần quá lo lắng, sự tồn tại của ngươi có thể khiến cho nước suối này trở nên càng “u ám”, một khi sinh ra tinh thể sẽ có lợi cho việc đúc kiếm, do đó vị Nguyễn sư kia sẽ không làm khó ngươi. Nếu ngươi làm việc siêng năng, nói không chừng người ta còn sẽ bố thí cho ngươi một chút cơ duyên. Mặc dù động tiên Ly Châu đã vỡ nứt, linh khí nhanh chóng lan tràn khắp nơi, nhưng đại khái có thể kéo dài ba bốn chục năm, vị trí thánh nhân của Nguyễn sư vẫn rất vững chắc, đối với hắn lại là chuyện tốt.
Bà lão thở phào một hơi, nịnh nọt:
- Xin tuân theo pháp chỉ của đại tiên.
Chỗ Lưng Trâu Xanh có người lên tiếng đầy vẻ khâm phục:
- Thần thông của tiền bối thật cao cường, lại có thể tự mình sắc phong hà bà một phương, mấu chốt là còn không quấy nhiễu đến thiên đạo.
Lão Dương vẫn giữ tư thế ngồi như cũ, cũng không xoay đầu, cười nhạt nói:
- Hà bà và hà thần, chỉ sai một chữ nhưng lại khác nhau một trời một vực. Người đọc sách như ngươi chẳng lẽ không hiểu sao?
Người tới là Thôi Minh Hoàng, nhân tài đọc sách đứng đầu thư viện Quan Hồ, hắn có lẽ là người xứ khác cuối cùng rời khỏi nơi này.
Vị thư sinh anh tuấn phong thái cởi mở này cười nói:
- Chỉ như vậy đã phải nổi da gà rồi. Trên một con đường bị chặn đầu, cưỡng ép rẽ ra một đường nhỏ, thủ đoạn như vậy khiến vãn bối phải bội phục.
Lão Dương hờ hững hỏi:
- Thằng nhóc, ngươi biết thân phận của ta?
Thôi Minh Hoàng lắc đầu cười nói:
- Trước đó sơn chủ không hề nhắc tới, nhưng vãn bối miễn cưỡng đoán ra được một chút đầu mối.
Lão Dương không nhịn được nói:
- Đi đi đi, thằng nhóc ngươi còn chưa đủ tư cách nói chuyện với ta, đổi thành sơn chủ của các ngươi thì còn được.
Thôi Minh Hoàng chẳng những không rời đi, ngược lại còn ngồi xuống Lưng Trâu Xanh. Trước khi ngồi còn không quên đưa tay kéo ngọc bội bên hông lên, để tránh đụng vào vách đá. Hắn ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh biếc đã không còn ngăn cách, nhẹ giọng nói:
- Vì bảo vệ động tiên Ly Châu này, không để thiên đạo thấm vào, có một thân tu vi thông thiên nhưng lại không muốn thi triển, cuối cùng chỉ có thể dựa vào hai chữ bản mệnh liều chết chống đỡ đến cùng. Dương lão tiên sinh, ngài nói xem vị Tề tiên sinh này của chúng ta rốt cuộc toan tính điều gì?
Ông lão chỉ rít thuốc, vẻ mặt âm trầm.
Thôi Minh Hoàng lẩm bẩm nói:
- Nếu chỉ là vì “lựa chọn vận mệnh cho dân chúng”, vậy thì quá thiệt thòi rồi. Ông ta là Tề Tĩnh Xuân, sơn chủ của thư viện Sơn Nhai, đệ tử đắc ý của thánh nhân thứ tư Nho giáo. Một cái mạng của ông ta đổi lấy đời sau kiếp sau của năm sáu ngàn phàm phu tục tử, có đáng không? Vãn bối thấy không đáng, nếu là vãn bối thì chắc chắn sẽ không làm.
Lão Dương nhả ra một ngụm khói:
- Lời này của ngươi chỉ có thể lảm nhảm với ta, nếu không lỡ may truyền đi, đời này ngươi cũng đừng mơ làm sơn chủ thư viện nữa. Nhìn vào mấy câu tâm lý mà ngươi vừa nói, chúng ta tán gẫu một lát nhé?
Người đọc sách mỉm cười nói:
- Nào dám khoe khoang, vãn bối cầu còn không được.
Ông lão nhìn mặt nước:
- Nhưng trước đó ta muốn hỏi ngươi một vấn đề.
Thôi Minh Hoàng gật đầu nói:
- Tiền bối cứ hỏi.
Ông lão chậm rãi hỏi:
- Từng bước ép Tề Tĩnh Xuân đến tình trạng một lòng cầu chết như vậy, có phải là thủ đoạn của ngươi không?
Thôi Minh Hoàng trước tiên là sững sốt, sau đó cười khổ, cuối cùng tự giễu nói:
- Có phải tiền bối quá coi trọng vãn bối rồi không?
Lão Dương không quay đầu, từng đợt khói lượn lờ bốc lên trước người ông lão:
- Ta không có bản lĩnh gì khác, nhưng nhìn lòng người thì xem như tạm được. Cho nên ngươi không nên đến đây.
Thôi Minh Hoàng cười giải thích:
- Cho dù tính lùi một chút, khi vị trí trong văn miếu của thánh nhân thứ tư Nho gia chúng ta bắt đầu hạ xuống, đó cũng là chuyện tám mươi năm trước rồi. Năm nay vãn bối chỉ mới ba mươi, có thể làm được gì chứ?
Ông lão quay đầu sang, cười híp mắt nói:
- Ý của ngươi là mình chỉ vừa khéo đến đây lấy đi ngọc khuê trấn quốc, lại vừa khéo gặp phải tai nạn này mà thôi, giống như đất vàng rơi vào trong đũng quần, không phải phân cũng trở thành phân?
Vẻ mặt Thôi Minh Hoàng vẫn tự nhiên, cười nói:
- Thế sự vô thường, sự tình vừa khéo.
Lão Dương giả vờ cười ha hả.
Thôi Minh Hoàng không muốn tiếp tục phí công, bèn đi thẳng vào vấn đề:
- Vãn bối rất có cảm tình với ngọn núi Phi Vân kia, muốn xây dựng một thư viện mới ở đó. Vãn bối tới đây là khách, nhập gia tùy tục, về tình về lý đều nên hỏi Dương lão tiền bối một tiếng. Chẳng biết tiền bối có yêu cầu gì không?
Lão Dương nhíu mày, không nói lời nào.
Thôi Minh Hoàng dường như không dám tự tiện thúc giục ông lão, chậm rãi đứng lên, nhẹ giọng nói:
- Tiền bối yên tâm, chỉ cần một ngày tiền bối chưa gật đầu, thư viện của vãn bối sẽ không dám động thổ thi công. Nếu ngày nào đó tiền bối cảm thấy chuyện này khả thi, có thể bảo phía dinh quan giám sát làm gốm chuyển lời cho Thôi Minh Hoàng của thư viện Quan Hồ là được.
Lão Dương ừ một tiếng, không từ chối thẳng thừng.
Thôi Minh Hoàng chắp tay cáo từ.
Bất kể quân cờ nhỏ như hà bà có thể trở thành thần chân chính hay không, hoặc là thư viện Quan Hồ muốn tìm một mảnh đất trong vương triều Đại Ly để đánh cờ, đã chọn trúng ngọn núi Phi Vân kia, thực ra ông lão đều không quá để tâm, bởi vì chúng không quan trọng.
Chuyện duy nhất mà ông lão để ý, đó là đêm hôm trước Tề Tĩnh Xuân đã đến cầu mái che, nói gì đó với Nguyễn Cung, sau đó ngồi một mình ở cầu mái che suốt một đêm, đến khi trời sáng mới đứng dậy trở về trấn nhỏ. Trong thời gian đó rốt cuộc Tề Tĩnh Xuân đã nói gì làm gì?
Ông lão xách tẩu thuốc cũ đứng lên, thấp giọng mắng:
- Chẳng một tên nào khiến người ta bớt lo.
- --------
Trong trường học, bốn đứa trẻ đầu óc chưa mở mang đưa mắt nhìn nhau.
Bọn nhỏ không nhìn thấy Tề tiên sinh, ngược lại ông lão giống như quanh năm suốt tháng đều quét sân, đã thay một bộ áo nhà nho tương tự với trang phục của Tề tiên sinh, bên hông đeo một miếng ngọc bội, mái tóc trắng như sương được chải chuốt chỉnh tề, đầu đội mũ cao. Ông lão ngồi ở vị trí lúc trước của Tề tiên sinh, nói với bốn đứa trẻ rằng Tề tiên sinh đã từ chức thầy giáo dạy học và sơn chủ thư viện, cho nên sau này sẽ do ông ta dẫn đám trẻ đi du học.
Tề tiên sinh đã sớm nói rõ với bọn nhỏ về chuyện rời nhà đến phương xa, trưởng bối trong nhà bọn chúng cũng đã gật đầu đồng ý.
Mặt mày ông lão không còn hiền hậu như lúc trước, khí thế uy nghiêm hỏi:
- Lý Bảo Bình đâu? Vì sao không đi học?
Lý Hòe đầu óc quỷ quyệt, bình thường cũng không hòa thuận với Lý Bảo Bình kia, lập tức tố giác:
- Trên đường tới Lý Bảo Bình nghe nói cây hòe già bị ngã, muốn chạy đi tham gia náo nhiệt, con không ngăn được nó. Tính khí của nó rất tệ, con khuyên thế nào cũng không nghe, nó còn muốn ra tay đánh người.
Ba đứa trẻ còn lại đều oán thầm, Lý Hòe thật là giống mẹ nó, bản lĩnh ăn không nói có đúng là lợi hại.
Ông lão quay sang nói với một bé gái cột tóc sừng dê:
- Cháu đi gọi Lý Bảo Bình về đây, hôm nay chúng ta phải rời khỏi trấn nhỏ.
Bé gái ừ một tiếng, không tình nguyện đứng lên, chạy chầm chậm rời khỏi trường học.
Lý Hòe tuổi tác không lớn nhưng miệng lưỡi rất xảo quyệt, không quên thêm dầu vào lửa, ra vẻ cụ non nói:
- Ông Mã à, loại học sinh như Lý Bảo Bình chuyên làm chuyện xấu, nhất định phải quản thúc thật kỹ, nếu không thì không thành tài được. Tề tiên sinh đã không có ở đây, ông Mã phải gánh vác trách nhiệm rồi...
Ông lão nghiêm nghị trừng mắt nhìn, khiến Lý Hòe sợ đến câm như hến, ngoan ngoãn im lặng. Có điều trong lòng nó không ngừng mắng lão Mã này đúng là vô tình vô nghĩa, hổ không có ở núi thì khỉ lập tức xưng vương.
Trước kia Lý Hòe rất chán ghét quy củ của Tề tiên sinh, nhưng hôm nay lại hoài niệm những điểm tốt của ông ta.
Sát bên lớp học là căn phòng thuộc về Tề Tĩnh Xuân. Thôi Minh Hoàng của thư viện Quan Hồ đang ngồi sau bàn sách nhìn quanh, tươi cười điềm đạm chiếm chỗ của người khác, ra vẻ thất vọng khẽ nói:
- Sách cũng không được mấy quyển.
- --------
Sau khi Trần Bình An đến tiệm rèn, nghe được tin tức kia lập tức sững sờ.
Trời còn chưa sáng thì Ninh Diêu đã rời khỏi trấn nhỏ, Nguyễn Tú nói là phía núi Đảo Huyền dùng phi kiếm truyền thư, sau khi Ninh cô nương nghe được thì vội vã rời khỏi tiệm.
Lúc này Trần Bình An mới biết, hóa ra Ninh cô nương đến ngõ Nê Bình là để từ biệt mình.
Hắn vác cái sọt đứng dưới mái hiên căn nhà mà Ninh Diêu ở tạm, môi mím lại.
Nguyễn Tú nhẹ giọng nói:
- Ninh cô nương bảo ta nói với ngươi, cô ấy mượn vỏ kiếm kia dùng một thời gian, sau này sẽ trả lại cho ngươi.
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không sao.
Nguyễn Tú muốn nói lại thôi. Trần Bình An mới tỉnh ngộ câu này nói với Nguyễn cô nương cũng chẳng có ý nghĩa gì, bèn gãi đầu nói:
- Vậy tôi trở về ngõ Nê Bình trước.
Nguyễn Tú gật đầu.
Trần Bình An đi về phía trước.
Nguyễn Tú đột nhiên nhớ tới một chuyện, hô lên:
- Trần Bình An, cha ta nói thời gian này ngươi cứ yên tâm làm việc trong tiệm, sau này có thể sẽ cần ngươi giúp rèn sắt.
Trần Bình An quay đầu cười nói:
- Cảm ơn.
Thiếu nữ áo xanh cười duyên dáng.
Trần Bình An đi một mình bên khe suối, sau khi đi lên cầu vòm đá thì đột nhiên dừng bước, lấy cái sọt xuống, ngồi ở ven rìa cầu đá, hai chân lơ lửng. Cái sọt chứa Trảm Long Đài nặng nề đặt ở bên người, một đôi giày cỏ khẽ lắc lư.
Nghe được Ninh cô nương đã rời đi, thiếu niên cũng không buồn bã quá nhiều, bởi vì ngay từ đầu hắn đã biết nàng sẽ đi.
Chỉ là có mấy lời còn chưa kịp nói.
Không biết qua bao lâu, Trần Bình An đột nhiên bị tiếng bọt nước dưới cầu làm thức tỉnh. Hắn vội vàng quay đầu, nhưng đã không thấy cái sọt nữa.
Trần Bình An không hề do dự, hai tay chống xuống, mặc cho mình rơi vào nước suối.
Sau khi vào nước hắn nhanh chóng thay đổi tư thế, đầu hướng xuống dưới, ra sức chui xuống đáy nước.
Trần Bình An trợn to hai mắt, loáng thoáng nhìn thấy một điểm sáng, trong nháy mắt hắn lại mất đi tri giác.
Sau phút chốc, Trần Bình An phát hiện mình đang đứng trên mặt nước như gương, khẽ giậm chân có thể đạp ra từng vòng sóng gợn, nhưng mặt gương lại không sụp đổ.
Hắn đột nhiên giơ tay lên che mắt, bởi vì ngay phía trước có ánh sáng chói mắt chiếu khắp trời đất.
Đợi đến khi ánh sáng nhạt đi, Trần Bình An bỏ tay xuống, nhìn thấy nơi xa có một người ngồi lơ lửng giữa trời, một chân cong lên, một chân rủ xuống giống như ngồi bên vách núi, tư thái lười nhác. Cả người đắm chìm trong ánh sáng trắng lóa, vô số tia sáng không ngừng chập chờn.
Trần Bình An làm thế nào cũng không thấy rõ nét mặt của người kia, rất giống với người đứng ở giữa cầu mái che trong giấc mộng ở ngõ Nê Bình lúc trước. Nhưng hắn không dám xác định có phải cùng một người hay không.
Người nọ ngẩng đầu ngáp một cái, chậm rãi nói:
- Người đọc sách tên là Tề Tĩnh Xuân kia nói rằng hắn rất thất vọng với thế giới này, vậy ngươi thì sao?
Sau khi người kia lên tiếng, Trần Bình An bỗng cảm thấy hô hấp khó khăn, liền cắn chặt răng.
Rất nhanh hắn lại nghe được tiếng tim mình đập, như có người đánh trống rung trời, sắc mặt thiếu niên đỏ bừng, đưa tay cố gắng ôm lấy ngực.
Thần tiên đánh trống báo mùa xuân, cho thiên hạ biết xuân sắp đến.
Trống không vang, xuân không đến.
Người nọ phất tay một cái, tay áo rộng lắc lư như một dòng sông ngân.
Trên cầu vòm đá, thiếu niên đang gật gù như gà con mổ thóc hốt hoảng tỉnh lại, quay đầu nhìn, trông thấy cái sọt vẫn nằm yên bên cạnh mình.
Thiếu niên ôm đầu nói:
- Lại tới nữa à?
Trần Bình An gắng sức tát mình một cái, cảm thấy đau, bèn hoảng hốt đứng lên, vác sọt bỏ chạy.
Hắn chạy thẳng về ngõ Nê Bình, mở cửa viện ra, phát hiện gần cửa viện có nhiều nhánh hòe nằm ngổn ngang, nghĩ thầm nha đầu kia đúng là chạy giỏi vác giỏi thật.
Trần Bình An đặt cái sọt xuống, sau đó ngồi ở cửa viện lau mồ hôi.
Một vệt màu đỏ từ đầu ngõ Nê Bình chạy nhanh tới. Bé gái đầu đầy mồ hôi, khi nhìn thấy Trần Bình An liền nhếch miệng cười.
Cô dùng nhánh hòe chống xuống đất, thở hồng hộc, từ túi thêu bên hông vét ra một nắm lá hòe xanh tươi ẩm ướt.
Trần Bình An nhận lấy, cúi đầu nhìn. So với lá hòe lần trước Tề tiên sinh dẫn hắn đi xin, những lá hòe này mặc dù cũng có màu xanh lá, nhưng gân lá đã khô héo, nhìn thật kỹ cũng không thấy có ánh sáng lấp lánh màu xanh lá lưu chuyển bên trong.
Trần Bình An quay sang tiểu cô nương đang nhìn chung quanh, mỉm cười vươn tay ra.
Vẻ mặt bé gái ngỡ ngàng.
Trần Bình An vẫn không thu tay lại.
Sau khi kiên trì một lúc, bé gái vẻ mặt phiền muộn từ trong túi thêu móc ra một chiếc lá cuối cùng, vỗ mạnh vào lòng bàn tay Trần Bình An.
Trần Bình An tiếp tục đưa tay.
Cô bé gắng sức phồng má, xoay người không biết từ nơi nào lấy ra thêm một chiếc lá hòe, vẻ mặt như đưa đám giao cho Trần Bình An.
Trần Bình An nín cười, cầm tám chiếc lá hòe đặt chồng lên nhau, nhưng lại rút ra ba chiếc đưa cho bé gái mặc áo bông đỏ, nhẹ giọng nói:
- Cho em.
Bé gái không cầm lấy lá hòe, cặp mắt lớn long lanh như quả nho đen đầy vẻ nghi hoặc.
Trần Bình An xoa xoa đầu tiểu nha đầu, nhẹ giọng giải thích:
- Chính em đã giấu đi trước, không giống như sau đó anh tặng cho em. Sau này đừng quên, chuyện gì đã đáp ứng người khác thì nhất định phải làm được.
Trần Bình An nhìn gương mặt non nớt ngây thơ kia, cười nói:
- Nếu như đã cố gắng mà vẫn không làm được, vậy thì phải nói.
Mặc dù bé gái cảm thấy hắn nói rất có đạo lý, nhưng mình đúng là mất mặt, vì vậy bèn thi triển bản lĩnh toàn thân, gương mặt nhỏ nhắn nhíu lại, tức giận nói:
- Sao anh lại y hệt như Tề tiên sinh ở trường học vậy, em không thích anh nữa!
Trần Bình An dở khóc dở cười, nói:
- Anh giúp em khiêng nhánh hòe về nhà nhé, anh sức lớn nên đi một chuyến là đủ rồi.
Tiểu cô nương mặc áo bông đỏ đang rất mệt, nghe vậy lập tức sáng mắt lên, cười đến mức cặp mắt híp lại như trăng non:
- Vậy em có thể thích anh một chút!
- --------
Bạn cần đăng nhập để bình luận